Quốc hội thảo luận dự án Tài nguyên nước (sửa đổi ): Cần bảo vệ nguồn nước không quá dồi dào

vv109Chiều 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phạm vi điều chỉnh của luật, chính sách của Nhà nước, quy hoạch bảo vệ, quan hệ quốc tế về tài nguyên nước.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật đối với nước biển, đa số  đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm cả nước biển vùng nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn vùng nước ngoài lãnh hải (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển nên được điều chỉnh cơ bản theo luật pháp quốc tế, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, một số đại biểu chưa đồng tình với quy định này.

Đại biểu Lê Đắc Lâm, đoàn Bình Thuận đề nghị: “Tôi đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh nước ven bờ gồm cả vùng nước nội thủy và lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì đã nói đến tài nguyên nước thì phải bao gồm nước trong không khí, nước trên mặt đất, nước biển thuộc lãnh thổ nước ta thì mới bao hàm đầy đủ các khái niệm phù hợp với các quốc gia trên thế giới”.

   Tài nguyên nước đang bị cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là  nỗi lo của nhiều đại biểu quốc hội cũng là sự quan tâm của cử tri cả nước. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm, đoàn Long An cho biết, trong thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở một số sông trên phạm vi cả nước diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Ngoài nguyên nhân do việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị sản xuất kinh doanh còn có nguyên nhân do việc quản lý các nguồn nước thải chưa chặt chẽ. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm đề nghị: Việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là cần thiết và luật cần có quy định này.

Còn đại biểu Trần Thị Dung, đoàn Điện Biên đề nghị phải quy định trong luật đối với hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng, ngay lập tức phải bị đình chỉ hoạt động, cho đến khi có giải pháp khắc phục mới được hoạt động trở lại.

Về quy hoạch tài nguyên nước, một số đại biểu cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước cấp quốc gia là điều không thực tế, vô cùng tốn kém và không cần thiết. Chỉ cần quy hoạch tỉnh, vùng tức là khu vực cho phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp – đoàn Cần Thơ lại cho rằng: “Đây là nhiệm vụ quan trọng nên phải có quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước . Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, liên tỉnh, của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước”.

   Theo dự thảo Luật, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước sửa đổi mà thuộc về Luật khoáng sản. Tuy nhiên, một số đại biểu chưa nhất trí với quy định này. Đại biểu Lê Minh Hiền, đoàn Khánh Hòa nói: “Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên cũng đều là nước dưới đất, chỉ khác nhau về thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh hoạt đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt nam hoặc nước ngoài. Do vậy, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên cũng cần được điều chỉnh trong Luật Tài nguyên nước”.

  Đối với quan hệ quốc tế về tài nguyên nước, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp về bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)