Tại Hội thảo khoa học ” Nghiên cứu khoa học và Đào tạo nguồn nhận lực ngành kinh tế tài nguyên đáp ứng nhu cầu xã hội” nhân kỷ niệm 55 năm thành lập trường Đại học Kinh tế Quốc dân và thành lập Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, PGS.TS. Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi có bài tham luận về Quản lý tài nguyên nước và yêu cầu đối với công tác Đào tạo, nghiên cứu khoa học về kinh tế tài nguyên nước:
I. Đặt vấn đề
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá mà tự nhiên ban tặng cho loài người, không có nước thì không có sự sống và cũng không có một hoạt động kinh tế nào có thể tồn tại được. Nước là khởi đầu và là nhu cầu thiết yếu của sự sống; là yếu tố quan trọng của sản xuất; là nhân tố chính để bảo đảm môi trường.v.v. Tuy vậy nguồn tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm, khối lượng và chất lượng nước ngày càng suy giảm, hạn hán và lũ lụt xảy ra gay gắt ở cả quy mô, mức độ và thời gian trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng và đó chính là nguyên nhân đã gây ra khủng hoảng về nước ở nhiều nơi trên thế giới. Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người vì vậy nó đã trở thành chủ đề quan trọng được bàn thảo nhiều nhất trên các diễn đàn Quốc tế.
Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì và làm như thể nào để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước để bảo đảm sự sống của con người, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái theo quan điểm phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu?, cần phải làm gì và làm như thế nào để thay đổi nhận thức, hành vi của con người khi tiếp cận với nguồn tài nguyên nước?, bài viết này xin trao đổi một vài ý kiến về chủ đề quản lý tài nguyên nước và yêu cầu đối với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về kinh tế tài nguyên nước.
II. Quản lý tài nguyên nước và yêu cầu đối với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về kinh tế tài nguyên nước.
Nước đã trở thành chủ đề rất quan trọng, mang tính thời sự đang được cả thế giới quan tâm. Đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo ở cả tầm khu vực và Quốc tế để thảo luận xung quanh các chủ đề về nước như: Hội nghị thượng định về nước năm 1992 tại Rio với chủ đề “Nước và môi trường”; Diễn đàn nước thế giới lần thứ nhất tại Marrakech (Marocco) năm 1997 với chủ đề “Tầm nhìn dài hạn về nước, cuộc sống và môi trường cho thế kỷ 21”; Diễn đàn nước thế giới tại Hague (Hà Lan) năm 2000 với chủ đề “Nước là công việc của tất cả mọi người”; Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johannesburg năm 2002 “Nước là một trong năm chủ đề quan trọng nhất của thế giới “; Diễn đàn nước thế giới lần thứ ba tại Kyoto (Nhật Bản) với các chủ đề thảo luận như: Quản lý tổng hợp nguồn nước và quản lý lưu vực sông; nước và khí hậu; nước và nông nghiệp; khoa học công nghệ và quản lý nước, .v.v.
Tuy còn nhiều bàn luận khác nhau xung quanh chủ đề về nước nhưng hầu hết các nhà khoa học, các nhà quản lý đều cùng chung quan điểm và nhận định: nước là nguồn tài nguyên quý giá nhất trong thế kỷ 21, được ví là “vàng xanh”; an ninh nước sẽ còn quan trọng hơn cả an ninh lương thực và nước có thể là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh toàn cầu; muốn quản lý tốt tài nguyên nước trước hết phải thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về tài nguyên nước, phải coi nước là hàng hoá kinh tế.
Nước là nguồn tài nguyên, nhưng tài nguyên nước có nhiều đặc điểm riêng khác với các loại tài nguyên khác (khoảng sản, đất, rừng.v.v) đó là: Loại tài nguyên thiết yếu nhất cho mọi sự sống và sản xuất không thể thay thế được; phân bố trên diện rộng nhưng không đều theo không gian và thời gian; tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau (nước mặt, nước ngầm.v.v); dễ khai thác, dễ sử dụng nhưng rất khó kiểm soát; tài nguyên có thể tái tạo cả về số lượng và chất lượng nhờ chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên nếu biết khai thác sử dụng hợp lý; tài nguyên nước có mối liên hệ và phụ thuộc với các nguồn tài nguyên khác như đất, rừng; tài nguyên nước rất dễ bị tổn thương do tác động của con người và rất khó kiểm soát.v.v bởi vậy để quản lý tốt tài nguyên nước đòi hỏi cần có sự phối kết hợp giữa nhiều chủ thể quản lý; nhiều lĩnh vực; nhiều cấp, nhiều ngành; nhiều tầng lớp dân cư trong cộng đồng … . Quản lý tổng hợp tài nguyên nước cần phải giải quyết tốt các mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; giữa đất và nước; giữa nước mặt và nước ngầm; giữa khối lượng và chất lượng; giữa thượng lưu và hạ lưu; giữa nước ngọt và các vùng ven biển; giữa trong nước và ngoài nước; giữa các đối tượng sử dung nước.v.v. Về phương diện kinh tế nước được ví như “Vàng xanh” của thế kỷ 21, nước sẽ có giá trị nhất hành tinh, nước là đối tượng tranh giành của nhiều nước, nhiều nhóm người và nhiều cá nhân, tạo ra những xung đột cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên giúp chúng ta định hướng và cải tổ cơ chế quản lý tài nguyên nước phù hợp.
Để thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về nước, năm 1992 Dublin đã đề ra bộ nguyên tắc 4 điểm, các nguyên tắc đó đã được hoàn thiện trong những hội nghị tiếp theo đang được coi là nền tảng của công tác quản lý tổng hợp nguồn nước. Trong đó nguyên tắc “nước là hàng hoá kinh tế ” được coi là nền tảng để thay đổi nhận thức, thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu, xây dựng và hoạch định chính sách quản lý tài nguyên nước. Đổi mới thể chế quản lý tài nguyên nước là mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề về nước và liên quan đến nước theo cách tiếp cận “nước là hàng hóa kinh tế”. Nguyên tắc chung để quản lý tài nguyên nước là “Quản lý tổng hợp “. Định nghĩa về quản lý tổng hợp tài nguyên nước do Tổ chức cộng tác vì nước toàn cầu (Global Water Partnership GWP) đưa ra và được sử dụng phổ biến cho đến nay là “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là một quá trình đẩy mạnh phối hợp phát triển và quản lý tài nguyên nước, đất và các tài nguyên liên quan, sao cho tối đa hoá các lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu”.
Kinh tế tài nguyên nước là một ngành khoa học khá mới mẻ, mới được nghiên cứu từ những thập niên cuối của thế kỷ 20, khi con người nhận ra rằng với mức độ khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên nước có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng, đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và sự sống của các thế hệ tương lai. Phải chăng các học thuyết phát triển kinh tế, các mô hình tăng trưởng hiện nay là chưa đề cập đúng mức vai trò của tài nguyên thiên nhiên đó là nguyên nhân dẫn đến sự khai thác quá mức. Các thất bại của thị trường khi giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái đòi hỏi phải có một tư duy mới về kinh tế cho sự phát triển trong thế kỷ 21 mới hy vọng giải quyết được các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, đói nghèo, công bằng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Holger Rogal nhà kinh tế học người Đức đã đề cập cách tiếp cận theo trường phái kinh tế học bền vững và ông đã đề xuất 10 quan điểm của kinh tế học bền vững.
Nghiên cứu kinh tế tài nguyên nước phải dựa trên nền tảng của kinh tế học bền vững. Các học thuyết về kinh tế tân cổ điển với chủ nghĩa tự do hóa thị trường, xây dựng mô hình thị trường hoàn hảo, thông qua thị trường để phân phối tối ưu các yếu tố sản xuất và hàng hóa là chưa hoàn toàn phù hợp với quan điểm kinh tế học bền vững. Theo Rogall, học thuyết kinh tế tân cổ điển dựa trên mẫu hình con người thiên vị kinh tế, ở đó con người luôn định hướng có lợi cho bản thân, ở đó các nhà sản xuất người sản xuất và người tiêu dùng luôn lựa chọn tối ưu để đạt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích, trong khi nhu cầu của con người là vô hạn mà các yếu tố được sử dụng cho sản xuất ngày càng cạn kiệt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người đòi hỏi phải sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất và cần thiết phải gia tăng sản xuất liên tục, trong khi lại ít nghiên cứu đến ý nghĩa của tài nguyên đối với nền kinh tế và giới hạn khả năng chịu đựng của tài nguyên thiên nhiên. Nếu chạy theo mục tiêu kinh tế, theo nhu cầu càng tăng của con người mà không xét đến khả năng chịu đựng của tài nguyên thiên nhiên (hay còn gọi là giới hạn sinh thái) sẽ làm phương hại nghiêm trọng đến các thế hệ tương lai, đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tương lai, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội, môi trường, sinh thái, văn hóa.. mà Hauff gọi là “nguyên tắc nội thế hệ và ngoại thế hệ “. Theo Holger, việc tiêu thụ tài nguyên ngày càng phải giảm đi trong tăng trưởng kinh tế theo mẫu hình bền vững là năng suất tài nguyên phải lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Năng suất tài nguyên là tỷ lệ số lượng hàng hóa sản xuất ra so với việc sử dụng tài nguyên, năng suất tài nguyên nước luôn phải lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là cơ sở của việc lựa chọn tăng trưởng trong khuôn khổ của giới hạn của hàng rào sinh thái. Giới hạn hàng rào sinh thái là việc phát triển tổng thể kinh tế quốc dân được bảo đảm trong khả năng chịu đựng của tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nước đã được coi là yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất nhưng điều quan trọng hơn là các chức năng của nó để bảo đảm cơ sở sinh tồn của tự nhiên đối với sự sống. Theo Siebert, các chức năng của tài nguyên nước phải kể đến là chức năng sản xuất (cung cấp yếu tố đầu vào); chức năng chứa nhận chất thải; chức năng khoảng không gian; chức năng duy trì các hệ thống tự nhiên và chức năng tái sản xuất,.v.v Do chưa nhận thức đúng vai trò của tài nguyên nước nên con người khó mà ứng xử bền vững với tài nguyên nước. Xu hướng ngoại hóa chi phí sử dụng tài nguyên nước (tức là chuyển chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất hay tiêu dùng sang người thứ ba) vì vậy mà nước được bán dưới mức chi phí sản xuất, do đó làm tăng nhu cầu và là nguyên nhân sử dụng không có hiệu quả tài nguyên. Từ những năm cuối của thế kỷ 20 đã có một số công trình nghiên cứu về kinh tế sử dụng tài nguyên nước như: Kinh tế trong quy hoạch sử dụng nước của tác giả Jame, LD & Lee, R.R; Giá trị kinh tế của nước, nguồn nước cho tương lai của Gibbons; Thị trường nước và vấn đề quản lý phi tập trung nguồn tài nguyên nước của Easter, K.W&Hearne; Ước tính giá trị kinh tế của nước trong việc lựa chọn sử dụng nước của Colby, B.G; Thị trường nước, tiềm năng và hoạt động của tác giả Easter, K.W; Rosegrant, M.W; Đo lường hiệu ích kinh tế khi đầu tư vào ngành nước và cơ chế chính sách của Robert A. Young; Rủi ro và lợi ích của toàn cầu hóa và tư nhân hóa nước sạch của Peter H.Gleick và các cộng sự; Khung thể chế trong một thị trường nước thành công của tác giả Manuel Marino và Karin E.Kemper; Kinh tế thể chế nước của R.Maria Saleth và Ariel Dinar; ….
Sự gia tăng nhu cầu về nước, tăng trưởng kinh tế nhanh và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang là những nguyên nhân dẫn đến nhiều thách thức đối với ngành nước như: Tình trạng thiếu nước trong mùa khô diễn ra phổ biến với quy mô và mức độ ngày càng tăng; Hệ thống công trình cơ sở hạ tầng cho trữ nước và khai thác nguồn nước bị xuống cấp; Tình trạng sử dụng nước còn lãng phí và không hiệu quả, chưa bảo đảm khai thác sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu dẫn đến mâu thuẫn trong sử dụng nước ngày càng lớn, hiệu quả khai thác sử dụng nguồn nước thấp; Tình trạng xả thải ra các sông hồ không được kiểm soát chặt chẽ gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước không đủ tiêu chuẩn, chất lượng để sử dụng; Chi phí cho công tác phòng chống và khắc phục thiên tai, lũ lụt ngày càng cao do tình trạng đô thị hóa, thay đổi dòng chảy, tàn phá rừng đầu nguồn và tác động của biến đổi khí hậu; Tăng chi phí do tác động của xâm nhập mặn của nước biển đến cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, đô thị và nông thôn, tới hệ sinh thái và các đối tượng sử dụng nước khác….
Theo báo cáo đánh giá tổng quan ngành nước Việt Nam năm 2009, lượng nước mặt tính trên đầu người của Việt Nam khoảng 9.856m3/năm. Tuy lượng nước mặt bình quân là khá cao nhưng lại phân bố không đều theo không gian và thời gian. Vào mùa mưa, chỉ trong khoảng 3 tháng đã chiếm tới khoảng 70 đến 80% tổng lượng dòng chảy năm, nên thường xảy ra lũ với cường độ lớn; ngược lại vào mùa khô, kéo dài trong khoảng 9 tháng, lượng nước mặt chỉ có khoảng từ 20 đến 30% tổng lượng cả năm nên nhiều vùng, khu vực thường xuyên phải đương đầu với tình trạng thiếu nước và hạn hán gay gắt. Ở nhiều vùng và khu vực do nguồn nước giảm sút đã kéo theo tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, nhiều hệ thống công trình bị xuống cấp nghiêm trọng làm giảm khả năng tích trữ và cung cấp nước. Vấn đề này đang là mối lo ngại của các cấp, các ngành quản lý nước và của cả cộng đồng. Cạn kiệt nguồn nước, khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng tới nhu cầu ngày càng gia tăng của dân cư mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, tiềm ẩn và đe doạ nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dân và đa dạng sinh thái.
Theo quy định tại Luật tài nguyên nước năm 1998, khái niệm quản lý tài nguyên nước hiện nay chỉ bao gồm việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, với khái niệm này là không còn phù hợp và bất cập với quan điểm, nhận thức mới về quản lý tài nguyên nước. Thay đổi nhận thức về quản lý tài nguyên nước là khởi đầu để giúp con người có hành vi phù hợp trong các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Vì vậy nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học về nước, đặc biệt là về kinh tế tài nguyên nước là hết sức quan trọng.
Kinh tế tài nguyên nước là một lĩnh vực khoa học còn khá mới mẻ không chỉ ở Việt nam mà cả ở nhiều nước khác trên thế giới. Trong những năm gần đây, các thể chế chính sách trong quản lý tài nguyên nước tuy đã được quan tâm nghiên cứu và đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Vì vậy các cấp, các ngành, các viện nghiên cứu, các trường đại học cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng trong nghiên cứu khoa học và cả trong công tác đào tạo ở lĩnh vực này. Phân tích, đánh giá, luận giải các vấn đề về tài nguyên nước dưới giác độ về khoa học kinh tế theo cách tiếp cận nước là nguồn tài nguyên khan hiếm nhưng rất có giá trị đối với sự tồn tại của sự sống; có giá trị lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng trong mối quan hệ hữu cơ với tài nguyên khác….bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Xác định mức giới hạn khai thác nguồn tài nguyên nước như nước ngầm, nước mặt trên các con sông để bảo đảm giới hạn sinh thái; các nguyên tắc và cơ sở khoa học để lựa chọn các ưu tiên sử dụng theo quan điểm phát triển bền vững; các công cụ chính sách kinh tế như giá nước, thuế, lệ phí, hạn ngạch, giấy phép xả thải; thể chế kinh tế trong quản lý khai thác sử dụng nước; chiến lược trong quy hoạch, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn nước; các giải pháp phát triển và bảo tồn nguồn tài nguyên nước, phòng chống và giảm nhẹ các tác hại do nước gây ra.v.v trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nguồn nước, đánh giá về thực trạng khai thác và sử dụng nước đối với từng vùng, từng lưu vực, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nước ở từng vùng, khu vực và từng hệ thống. Đánh giá xác định khối lượng và chất lượng nguồn nước, dự báo khả năng biến động của nguồn nước. Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, giao thông, du lịch và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác và đảm bảo yếu tố môi trường. Xác định các nguyên tắc và mục tiêu phân bổ, kiểm soát vấn đề về khai thác và sử dụng nguồn nước, xác định yêu cầu nước đảm bảo cho môi trường, duy trì dòng chảy môi trường .v.v
Các nhiệm vụ trên là hết sức to lớn đòi hỏi phải có một đội ngũ các nhà chuyên môn có kiến thức giỏi, có năng lực tốt, có tâm huyết cùng chung tay giải quyết các nhiệm vụ của đất nước. Trong những năm gần đây một số trường đại học đã mở ngành đạo tạo về quản lý tài nguyên nước như: quản lý tài nguyên nước và môi trường; kinh tế tài nguyên và môi trường; kinh tế và quản lý thủy lợi; quản lý tài nguyên thiên nhiên (có tài nguyên nước).v.v ở bậc đại học và cao học. Do là một ngành, một lĩnh vực khá mới mẽ ở việt nam nên chương trình và nội dung giảng dạy đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt là các nội dung và thời lượng giảng dạy về kinh tế tài nguyên nước còn quá ít. Đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng các lý thuyết về kinh tế và thể chế trong quản lý nguồn nước theo quan điểm quản lý tổng hợp và phát triển bền vững; áp dụng các phương pháp phân tích kinh tế, các công cụ tính toán tiên tiến để ứng dụng trong đánh giá phân tích các dự án khai thác sử dụng nước, dự án quy hoạch lưu vực sông; xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các giáo trình, tài liệu giảng dạy về kinh tế tài nguyên nước theo cách tiếp cận mới để giảng dạy cho sinh viên là nhiệm hết sức quan trọng hiện nay.
III. Kết luận
Việt nam cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp, nông nghiệp là khu vực sản xuất thu hút tới 72% lực lượng lao động xã hội và làm ra khoảng 20.6% GDP (số liệu năm 2010). Sản xuất nông nghiệp là lợi thế của Việt nam khi gia nhập kinh tế quốc tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp của được đánh giá rất cao và đang chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường quốc tế. Nhưng phần lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta đều rất cần có nước. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, bảo về môi trường sinh thái, bảo đảm ổn định chính trị xã hội và an ninh quốc phòng. Thay đổi nhận thức để thay đổi hành vi của con người khi tiếp cận với nguồn tài nguyên nước được coi là mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến nước. Các tồn tại bất cập hiện nay trong quản lý khai thác tài nguyên nước bắt nguồn từ chất lượng nguồn nhận lực. Nguồn nhân để thực thi nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước còn quá bất cập với yêu cầu của xã hội cả vệ số lượng, chất lượng. Vì vậy công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực về quản lý tài nguyên nước, kinh tế tài nguyên nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng cho cả hiện tại và tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020. Hà Nội, 2006.
2. Luật Tài nguyên nước (1998), được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 8 năm 1998.
3. North, D.C. (1990). Institutions, Institutional Change and Economic Performance, Cambridge University Press, Cambridge.
4. Ostrom, E. (1993). ‘Design principles in long-enduring irrigation institutions’, Water Resources Research, vol 29, no 7, pp1907–1919
5. Phillip Pagan (2009). Laws, Customs and Rules: Identifying the Characteristics of Successful Water Institutions. In Crase, L. & Gandhi, V. (ed.). Reforming Institutions in Water Resource Management: Policy and Performance for Sustainable Development. London: Earthscan Publishing.
6. VWSR (2009). Vietnam Water Sector Review Project. Final Report. Ha Noi. 2006.
(Theo iwem.gov.vn)