Nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Tuy nhiên, ở một số địa phương, nguồn tài nguyên nước đang gặp những thách thức khiến suy giảm cả chất và lượng. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, bảo đảm chất lượng nguồn nước cũng như quản lý tài nguyên nước đang là vấn đề đặt ra.
Suy giảm chất lượng nguồn nước
Tại địa bàn xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở mức báo động. Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc được thành lập năm 2008. Làng nghề có 3 cơ sở chế biến bột cá và tất cả đều xả thải trực tiếp ra sông Lạch Vạn. Trên 200 giếng nước của khu dân cư quanh vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng không thể sử dụng. Nước giếng tại các xóm đều không sử dụng được do bị ô nhiễm.
Theo phản ánh, mặc dù các nhà máy chế biến bột cá có xử lý tại các bể lóng nhưng xử lý sơ sài, nước xả thải trực tiếp ra sông Lạch Vạn ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng môi trường sống của khu dân cư, đặc biệt là ảnh hưởng tới bãi biển du lịch Diễn Thành.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu thừa nhận: Trong quá trình sản xuất, chế biến, việc có mùi bốc lên tại các nhà máy chế biến bột cá là có thật, hiện vẫn chưa thể khắc phục được. Huyện đã tiến hành kiểm tra nhưng do không có các trang thiết bị hiện đại nên chưa thể đánh giá chính xác về môi trường.
Địa bàn thị xã Hoàng Mai có 3 nhà máy chế biến bột cá cũng vô tư xả thải ra sông Hoàng Mai, chưa kể là người dân xả rác bừa bãi ra sông cũng khiến chất lượng nước ô nhiễm trầm trọng. Ông Võ Văn Thắng ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) chia sẻ: Gia đình làm 4 ha tôm, hiện vừa thu hoạch xong tôm vụ 1 được 2 ha, năng suất chỉ đạt 3 – 3,5 tấn/ha, tính ra vừa hòa vốn. Nguyên nhân là do nguồn nước đầu vào ở sông Hoàng Mai nhiễm bẩn gây ra nhiều các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh phân trắng (bệnh chậm lớn) khiến năng suất tôm sụt giảm.
Được biết, hàng năm thị xã Hoàng Mai nuôi từ 350 – 400 ha tôm. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, gây dịch bệnh cho tôm. Trong năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt dự án “Nâng cấp hạ tầng đồng tôm” cho thị xã Hoàng Mai trị giá trên 61 tỷ đồng, góp phần hữu hiệu cải tạo nguồn nước cho bà con vùng nuôi tôm.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nông nghiệp là lĩnh vực khai thác, sử dụng nước nhiều nhất với khoảng 78,7% trong tổng lượng nước khai thác của các ngành kinh tế, tiếp đến là nước sinh hoạt với 10,8%, chăn nuôi 5,8%, nuôi trồng thủy sản khoảng 3,3%, ngành công nghiệp khai thác với tỷ lệ khoảng 1,2%. Về trữ lượng, xét tổng thể về tổng lượng nước cả năm bình quân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7.581 m3/người/năm (thấp hơn bình quân cả nước 9.856 m3/người/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới 4.000m3/người/năm) và được xếp vào loại không căng thẳng về nguồn nước.
Về chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo kết quả quan trắc hàng năm, mặc dù vẫn đảm bảo cho các mục đích sử dụng, tuy nhiên có sự suy giảm chất lượng nguồn nước. Nguyên nhân là do sự rửa trôi đất đá từ vùng thượng nguồn, khu vực có khai thác khoáng sản ở vùng đầu nguồn…
Cần giải pháp đồng bộ
Riêng Nghệ An, bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực tài nguyên nước, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các đề án điều tra tài nguyên nước trên địa bàn và tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về tài nguyên nước đối với các tổ chức cá nhân. Hàng năm, tổ chức các hoạt động mít tinh hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3) trên phạm vi toàn tỉnh, như tổ chức diễu hành, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước; phát động phong trào không lấn chiếm sông, hồ; trồng rừng bảo vệ nguồn nước tránh xói lở làm thay đổi dòng chảy và chất lượng nguồn nước…
Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về: điều tra cơ bản; lập chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước… Tất cả các quy định của luật đều nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước và các tổ chức, cá nhân đều phải có nhận thức đúng và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2013 đến nay, tổ chức 10 đoàn tiến hành kiểm tra 116 tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Tiếp nhận, thẩm định tham mưu cấp 224 giấy phép thăm dò nước dưới đất, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
(Tổng hợp: TTDLTNN)