Quảng Ninh: Đối mặt với khó khăn trong quản lý tài nguyên nước

Công trình hồ chứa nước Đầm Hà Động (huyện Đầm Hà) được đưa vào sử dụng đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho hàng nghìn ha đất canh tác và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân quanh khu vực.Đây là công trình có ý nghĩa kinh tế – xã hội rất quan trọng đối với người dân huyện Đầm Hà, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đến công tác quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện Quảng Ninh vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn trong quản lý nguồn nước trên địa bàn.
 
Văn bản pháp luật – công cụ hỗ trợ đắc lực trong quản lý TNN
Xác định được tầm quan trọng của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó đáng chú ý là Quyết định số 1714/2009/QĐ-UBND quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên các đảo; quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi và khai thác sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các dự án quan trọng như: Dự án Điều tra, Khảo sát, Thu thập thông tin, Đánh giá tài nguyên nước, Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Hiện cơ sở dữ liệu tài nguyên nước đã được lập và đang khai thác; Đề án Quy hoạch tài nguyên nước cũng đang được triển khai thực hiện và hoàn thành trong năm 2012. Các dự án này khi hoàn thành sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Việc cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai một cách nghiêm túc. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp 220 Giấy phép các loại. Trong đó, cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước 121; 39 Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, 58 giấy phép khai thác nước dưới đất, 2 Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Theo đánh giá của Sở TN&MT các đơn vị sau khi được cấp phép lĩnh vực tài nguyên nước đã có những động thái tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt, các đơn vị đã đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải; thực hiện quan trắc môi trường định kỳ. Vì vậy nguồn nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép, chất lượng nguồn nước tiếp nhận dần được cải thiện. Hiện nay, tổng lượng nước thải của các đơn vị ngành Than đã được xử lý triệt để trên 34 triệu m3/năm (đạt 47%); nước thải công nghiệp đã xử lý hơn 2,7 triệu m3/năm (đạt 11,8%); nước thải y tế đạt 97%. Bên cạnh đó công tác thanh tra, kiểm tra cũng thường xuyên được triển khai, đã phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm.
 
Vẫn còn tình trạng sử dụng nước lãng phí
Việc sử dụng lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có Giấy phép, xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là nạn khai thác cát, sỏi trái phép đã gây tác động tiêu cực lớn tới nguồn nước. Với tài nguyên nước ngầm thì ngay tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả nơi trữ lượng nước ngầm được đánh giá là dồi dào nhất, công suất khai thác cũng đã giảm dần trong thời gian qua. Tổng công suất khai thác nước ngầm tại khu vực này chỉ đạt từ 6.000 đến 10.000 m3/ngày đêm. Hệ thống khai thác nước đơn lẻ gồm những giếng khoan thuộc các nhà máy, xí nghiệp tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã và trung tâm các thị trấn, các khu công nghiệp và thường được thiết kế khai thác ở tầng sâu, lưu lượng khai thác trung bình. Theo kết quả điều tra, khảo sát trên địa bàn tỉnh có khoảng 286 giếng khoan với tổng lưu lượng khai thác khoảng 12.313,2 m3/ ngày. Tuy nhiên, các lỗ khoan và giếng đào chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, được thực hiện tự phát dùng để cấp nước cho gia đình ăn uống, sinh hoạt, thời gian khai thác theo nhu cầu của gia đình. Chính vì vậy, nhiều nguồn nước đã cạn kiệt hoặc đang bị nhiễm mặn nặng nề do tốc độ khai thác quá nhanh trên cùng một địa tầng như khu vực phường Cẩm Đông, Cẩm Tây (TP.Cẩm Phả), Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) và một số xã ở huyện Cô Tô. Việc khoan giếng trong nhân dân trên địa bàn tỉnh diễn ra đều tự phát, tràn lan, sử dụng nước lãng phí vào nhiều việc. Hoạt động khai thác này hầu như không có Giấy phép, làm mực nước ngầm có nguy cơ bị hạ thấp, ô nhiễm, nguồn nước mặt vì thế sẽ suy giảm. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, người dân về tầm quan trọng của tài nguyên nước, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu, rộng.
Nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước là vấn đề cấp bách hiện nay. Mặc dù thời gian qua công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp và nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về tài nguyên nước từng bước được nâng lên nhưng để công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn Quảng Ninh có hiệu quả rất cần sự nỗ lực, quan tâm từ các cấp quản lý cũng như ý thức giữ gìn, bảo vệ của người dân.
 

 

 (Theo Monre.gov.vn)