Quảng Nam và Đà Nẵng đang thực hiện việc chia sẻ nguồn nước để bảo đảm đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Biến đổi khí hậu và các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn đã khiến nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn ngày càng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho người dân phía hạ nguồn ở cả Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Chia sẻ nguồn nước là cách 2 địa phương “chưa mưa đã nắng” này đang thực hiện để bảo đảm đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Giờ chưa phải là lúc cao điểm mùa khô năm nay nhưng mực nước trên hệ thống Vu Gia-Thu Bồn đã thấp đến mức cạn kiệt. Hai đập tạm ngăn dòng sông Quảng Huế-một nhánh của sông Thu Bồn để chia nước về sông Vu Gia đã được chính quyền và ngành chức năng 2 địa phương Quảng Nam và TP Đà Nẵng cấp tốc xây dựng.
Nhờ nguồn nước được chia về sông Vu Gia ngay từ phía thượng nguồn, việc tưới tiêu cho hàng ngàn ha lúa các huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP Hội An của tỉnh Quảng Nam được đảm bảo. Hơn thế, nhà máy nước Cầu Đỏ tại sông Cầu Đỏ có nguồn nước thô đảm bảo cung cấp cho gần 1 triệu dân TP Đà Nẵng.
Nhánh sông Quảng Huế vốn thường bị sạt lở sau mỗi mùa mưa lũ đã khiến cho nước chuyển dòng từ sông Vu Gia chảy sang sông Thu Bồn. Mặt khác, một số thủy điện phía thượng nguồn đón nước từ sông Vu Ga nhưng xả nước về sông Thu Bồn khiến lượng nước đổ về sông Vu Gia thiếu hụt. Trong khi chờ các giải pháp bền vững hơn, đắp đập tạm như thế này kết hợp với cơ chế vận hành luân phiên giữa 2 địa phương đối với nguồn nước sông Vu Gia là cách tốt nhất để có được nguồn nước ổn định cho lưu vực sông Vu Gia.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước luôn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc chia sẻ nguồn nước giữa 2 địa phương Quảng Nam và TP Đà Nẵng dù mới triển khai bằng giải pháp công trình tạm nhưng đã chứng minh được hiệu quả to lớn. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý lưu vực sông, chia sẻ nguồn nước bằng các giải pháp bền vững, lâu dài hơn.
Nguồn tin: vtv.vn