Quảng Bình: Nhiều công trình nước sạch không sử dụng được

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Bên cạnh nhiều công trình cấp nước phát huy hiệu quả thì còn không ít công trình được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng không sử dụng được, hoặc vừa khánh thành đã hỏng khiến dư luận nhân dân bức xúc.
Quảng Bình là tỉnh nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, mùa khô thường xảy ra hạn nặng kéo dài, gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Do vậy, nhu cầu về nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhân dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, tỉnh Quảng Bình đã huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho người dân. Tổng nguồn vốn huy động hơn 140 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 52 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 69 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác. Ðã có nhiều công trình nước sạch được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân. Ðến hết năm 2010, số dân nông thôn Quảng Bình được hưởng nước sạch khoảng 526.743 người, đạt 70,4% dân số nông thôn toàn tỉnh và đạt 82,8% kế hoạch chương trình giai đoạn 2006-2010.
Bên cạnh các công trình cấp nước đã phát huy được hiệu quả thì còn không ít công trình được đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn không cấp được nước hoặc hoàn thành nhưng không sử dụng được khiến người dân bức xúc. Hầu hết các huyện của tỉnh Quảng Bình đều có công trình cấp nước tiền tỷ chưa dùng đã hỏng hoặc không thể đưa vào hoạt động. Công trình nước Ðại Phong, xã Phong Thủy; công trình nước sạch xã An Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy), xã Quảng Kim (Quảng Trạch), xã Mai Hóa (Tuyên Hóa)…
Công trình nước sạch Ðại Phong, xã Phong Thủy được đầu tư hơn một tỷ đồng, công suất 257 m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho 4.270 người dân Phong Thủy. Tuy nhiên, từ ngày nghiệm thu công trình đến nay, công trình chỉ vận hành một lần nhưng chưa có hộ dân nào được dùng nước máy. Người quản lý công trình nước Ðại Phong cho biết, các giếng khoan cấp nước không có nước để bơm, riêng một giếng có thì nước đục như nước vo gạo nên cũng không dùng được. Gần đây, chủ đầu tư lại tiến hành sửa chữa với số tiền gần 100 triệu đồng, nhưng công trình vẫn chỉ là ‘quả bầu khô’ trơ gan cùng mưa nắng. Sau hai trận lũ lịch sử đầu tháng 10 năm 2010, Trung ương Hội Chữ thập đỏ phải hỗ trợ lắp đặt một máy lọc nước lưu động để kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân vùng lũ Phong Thủy sử dụng.
Cứ đến mùa nắng hạn, người dân ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy luôn thiếu nước sinh hoạt. Cuối năm 2007, công trình nước sạch Hoa Thủy được đầu tư xây dựng với số vốn 4,4 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ giải quyết khó khăn về nguồn nước cho người dân. Thế nhưng đến nay, ngoài hệ thống bể chứa, lọc nước hoàn thành, người dân vẫn chưa có giọt nước nào để sử dụng. Nguyên nhân là do phần vốn đối ứng của người dân quá cao (khoảng 40-50% tổng mức đầu tư) nên họ không có khả năng đóng góp. Theo lãnh đạo UBND xã Hoa Thủy, người dân ở đây sống dựa vào một vụ lúa đông xuân nên không có khả năng đóng góp khoản ‘vốn đối ứng’ để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến các thôn, xóm và từng hộ gia đình. Thế nên, công trình trị giá 4,4 tỷ đồng này sau bốn năm xây dựng vẫn chưa đưa lại hiệu quả thiết thực như mục đích đề ra.
Xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa nằm ven sông Gianh nên nguồn nước sinh hoạt luôn bị nhiễm mặn. Năm 2008, xã này được Tổ chức Ðông Tây hội ngộ tài trợ xây dựng công trình nước sạch với số vốn hơn 2,4 tỷ đồng. Sau một thời gian khảo sát, thiết kế và thi công, ngày 8-5-2010, công trình được đưa vào sử dụng với mục tiêu cấp nước cho 1.225/1.925 hộ dân trong xã. Tuy nhiên, sau khi vận hành được một thời gian thì công trình ngừng hoạt động. Theo báo cáo của UBND xã Mai Hóa, để hoàn thành công trình nước sạch này, Tổ chức Ðông Tây hội ngộ đã tài trợ 1,6 tỷ đồng, địa phương đóng góp thêm 800 triệu đồng với hàng nghìn ngày công của người dân để xây dựng công trình. Theo phản ánh của những người vận hành thì công trình ngừng hoạt động đã lâu là do thiết kế không hợp lý, công suất của máy bơm không bảo đảm và những lỗi kỹ thuật khác.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu hết các công trình cấp nước được thi công rất cẩu thả, chất lượng kém. Ðơn cử, công trình cấp nước sinh hoạt khu dân cư phía bắc thị trấn Quy Ðạt, huyện Minh Hóa khi bàn giao đưa vào sử dụng đã không bảo đảm để bơm, cấp nước sinh hoạt cho người dân ở vùng này. Hệ thống bơm dẫn nước xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch cũng thi công với chất lượng kém. Khi xã tiến hành sửa chữa lại công trình mới phát hiện ra có nhiều đường ống dẫn nước không được nối, vì thế không dẫn được nước.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, trong quá trình lập dự án và thiết kế công trình cấp nước sinh hoạt, chủ đầu tư đã thực hiện không đúng với quy định quản lý đầu tư của Chính phủ và Bộ Xây dựng… Có những công trình bên A tự thiết kế (đứng danh nghĩa một đơn vị tư vấn khác) kiêm cả giám sát và nghiệm thu công trình, nghĩa là ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’. Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư không tuân thủ các quy định hiện hành dẫn đến lựa chọn một số đơn vị thi công không đủ năng lực, không có giấy phép hoạt động. Do giám sát lỏng lẻo nên ở nhiều công trình, đơn vị thi công không tuân thủ thiết kế mà vẫn không bị phát hiện như đào hố chôn ống dẫn nước thiếu chiều sâu khiến nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã bị nứt vỡ, hỏng.
Từ thực trạng trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình đang triển khai đề án đổi mới quản lý, đầu tư và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nhằm lựa chọn mô hình quản lý phù hợp quy mô, đặc điểm của từng loại công trình cấp nước, qua đó phát huy tác dụng của công trình cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ðể lựa chọn mô hình quản lý phù hợp phải bảo đảm các yêu cầu: phát huy nội lực và thực hiện xã hội trong đầu tư xây dựng công trình; người sử dụng quyết định các giải pháp về công nghệ kỹ thuật, loại hình quản lý phù hợp năng lực, khả năng tài chính của mình; huy động được các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình. Người sử dụng được sở hữu và tham gia quản lý công trình từ khi triển khai xây dựng đến lúc đưa vào vận hành, có như vậy công trình mới hoạt động có hiệu quả và bền vững.

(Theo Nhân Dân)