
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện cuộc cách mạng xanh, nhiều nước Châu Á có số dân đông đã đẩy mạnh hạ tầng thủy lợi, đưa diện tích tưới lúa tăng nhanh nhằm giải quyết tốt vấn đề lương thực trong nước và xuất khẩu. Việt Nam thành quốc gia đạt sản lượng lúa gạo đứng hàng thứ 4 trên thế giới, cũng đồng nghĩa với tăng nhanh lượng nước sử dụng, vì vậy phải có biện pháp quản lý tốt hơn để tiết kiệm, giảm thất thoát lãng phí vì nước không còn là nguồn tài nguyên vô tận.
Viện Quốc tế về quản lý nước (IWMI) đã phân tích và nêu ra những nhiệm vụ cần phải làm tốt hơn là : Thay đổi suy nghĩ về nước và nông nghiệp phải đạt được cả 3 mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực, giảm nghèo đói và bảo vệ sinh thái. Cải tiến việc sử dụng nước trong nông nghiệp, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về tài nguyên nước, hỗ trợ nông dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Quản lý nền sản xuất nông nghiệp, các hệ sinh thái, phát triển các dịch vụ nhưng không gây ảnh hưởng xấu đến suy thoái nguồn tài nguyên đất, các vùng đất ngập nước, các nguồn nước (do ô nhiễm của phân hóa học, thuốc trừ sâu) và tính đa dạng sinh học. Nâng cao hiệu suất, giá trị kinh tế của việc sử dụng nước để các hệ thống tưới ngày càng thu được sản lượng cao hơn và tiết kiệm được nhiều nước hơn, giảm được chi phí sản xuất. Thực hiện cách tiếp cận mới để gắn sản xuất nông nghiệp với các hệ sinh thái thủy sinh, vật nuôi trong hệ thống canh tác có tưới và canh tác dựa vào mưa.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp có tác động lớn đến chất lượng và số lượng nước. Quản lý đất và nước một cách bền vững, kết hợp với các công nghệ nông nghiệp đổi mới có thể làm giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp nông dân thích ứng với những tác động của hiện tượng này.
(Theo angiang.gov.vn )