“Sông trăng, sông lụa”, sông đang chết (Bài 1): Lúa ngắc ngoải, con gì sống được ?

Những xóm chài xưa chỉ còn lại thế này.
Thượng nguồn sông Đáy, kể từ điểm nối dòng với sông Hồng, chảy qua địa bàn Hà Nội cũng ngót trăm cây số đang “nối gót” những Lừ, Sét, Tô Lịch, Kim Ngưu, “làm tình làm tội” người dân sống dọc hai bên bờ. Đã hơn chục năm qua, dòng sông cứ tiều tuỵ dần trong cơn xoáy của kinh tế thị trường. Nước sông đen thêm, lòng sông co thắt lại thêm qua mỗi mùa con nước trôi đi.

 

Dòng sông “ăn thịt” những xóm chài

Tôi chủ ý đi tìm những xóm chài với mong muốn hiểu thêm “tính khí” của con sông Đáy, để được biết những đổi thay của nó qua cuộc đời của những người làm nghề chài lưới gắn bó với sông.

Và thật buồn, điều tôi nghe được là lời kêu cứu của một dòng sông đang… chết.

Ở tuổi thất thập cổ lai hi, ông Nguyễn Văn Hiếu ở xóm Chùa Cát (Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội) đã một đời trọn vẹn với con sông Đáy. Đăm đăm nhìn về phía con sông đầy tiếc nuối, ông bảo: “Suốt dọc đoạn sông, từ Phùng về đến quãng này, xưa có đến cả chục xóm chài, đều sống bởi con tôm, con cá của dòng sông Đáy. Bây giờ thì chẳng còn gì!”

Cũng giống như những xóm chài ở dọc ven bờ con sông, bao đời nay, người dân xóm Chùa Cát sống bằng nghề chài lưới. Nhưng có lẽ không ai còn nhớ mẻ cá cuối cùng bắt được từ dòng sông này là khi nào nữa. Con sông Đáy vào mùa cạn nhìn rõ tình trạng bị bồi lấp, nước đen ngòm và toàn rác, lặng lờ gần như không chảy, luồn lách dưới những cây cầu tạm bợ bắc qua. Mùi hôi bốc lên từ phía dòng sông nồng nặc, bay vào tận sâu trong làng. Không ai biết chính xác nguyên nhân là gì, chỉ nôm na ngờ ngợ rằng đó là do ở phía đầu nguồn người ta thải ra.

Ông Hiếu trước cũng lừng danh sát cá ở xóm chài Chùa Cát. Ông kể: “Ngày xưa, người ta gọi Chùa Cát là xóm Bè vì các hộ dân ở đây đều sống nhờ việc thuyền chài, làm bè ở luôn trên sông, kiếm cá, ngày này qua tháng khác. Cá sông Đáy nhiều mà ngon lắm. Dọc hai bên sông đều có các xóm chài, phía dưới kia còn có Đồng Hoàng, Cao Bộ… Bây giờ thì hết rồi!”.

Hơn chục năm qua, kể từ ngày ô nhiễm về đến khúc sông này, các xóm chài thu hẹp dần rồi biến mất từ lúc nào không ai rõ. Ông Hiếu và cả gia đình ông bỏ nghề từ dạo ấy. Không còn thấy xóm Bè trên sông nữa. Các hộ dân chuyển dần lên bờ, tạm bợ sống với vài sào ruộng.

Sông Đáy, khúc chảy qua Chùa Cát nay đã bị bồi lấp đi nhiều. Nước sông bây giờ quá bẩn, không con gì sống được. “Ngày xưa, nước sông trong vắt, chỗ sâu cắm ngập cả một cây tre, tôm cá nhiều, có cả cá măng, cá nheo, bây giờ thì bẩn quá, không kiếm được gì mà ăn, chỉ còn mấy con rô, con trê hay ốc bươu vàng là sống được”- ông Hiếu than thở.

Chính ô nhiễm đã giết chết những xóm chài dọc đôi bờ sông Đáy. Người ta vẫn tiếc nuối và xót xa cho dòng sông, vẫn còn xót xa cho những xóm chài đã chết từ lâu.

Các bè nổi trên sông giờ cũng biến mất không còn dấu tích. Dòng sông trở nên cô đơn và dường như thật xa lạ.

“Ngậm oan” cùng sông Đáy

 Người ta đổ lỗi cho sông Đáy đã “ăn thịt” những xóm chài, không để lại một dấu vết. Bây giờ, ở Lam Điền, năng suất lúa giảm mạnh, người ta cũng bảo tất cả tại dòng sông. Có tới 5 xã: Lam Điền, Đại Yên, Hoàng Diệu, Thuỵ Hương, Ngọc Sơn của huyện Chương Mỹ phải lấy nước từ trạm bơm Lam Điền để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nước sông đen đặc vẫn phải bơm vào các kênh mương dẫn vào ruộng lúa.

Kết quả phân tích, đánh giá số liệu quan trắc chất lượng nước sông được tiến hành từ 11-2008 đến 10-2009 tại 22 điểm trên toàn bộ lưu vực của Cục Quản lí Tài nguyên nước cho thấy hầu như không một đoạn sông chính nào có chất lượng đạt tiêu chuẩn B1.

Thật chua chát, tiêu chuẩn B1 chính là tiêu chuẩn nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp. Nước tưới mà còn sợ, nói gì nước sinh hoạt

Tìm gặp anh Dương Quang Vinh, trưởng thôn Lam Điền, anh cho biết: “Tình trạng ô nhiễm của sông Đáy đã hàng chục năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ đời sống mà còn cả sự phát triển của nhân dân nơi đây. Các khu ruộng sau khi bơm nước sông ô nhiễm vào, năng suất lúa giảm rõ rêt. Lớp bùn đen đọng lại trên mặt ruộng vài tháng sau vẫn chưa hết”.

Thôn Lam Điền vốn là “vựa lúa” của xã Lam Điền. Nhiều năm nay, năng suất lúa đã giảm rõ rệt do phải sử dụng nước ô nhiễm chứa nhiều độc hại và sâu bệnh. Mặc dù người dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, kĩ thuật, sử dụng giống mới có năng suất cao nhưng vẫn không bù lại được.

Nhà anh Vinh cũng có tới 6 sào ruộng. Anh bảo: Trước kia, khi nước sông chưa bị ô nhiễm, năng suất lúa thường là từ 2 tạ đến 2 tạ rưỡi mỗi sào nhưng bây gìơ thì giảm rõ rệt, chỉ còn trên dưới 1 tạ, nhà nào cao thì được tạ rưỡi mỗi sào. Anh Vinh cũng cho biết, nhiều lần thôn và xã đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm này, tuy nhiên vẫn chưa có biến chuyển. Nhân dân vẫn mong mỏi sớm có biện pháp giải quyết để cứu lấy dòng sông và trả lại môi trường sống trong sạch.

Tôi hỏi anh Vinh rằng tại sao sông Đáy mấy năm nay ô nhiễm kinh khủng thế, anh ngậm ngùi: “Tại các làng nghề dọc hai bên bờ sông xả nước thải ra đầu độc chứ còn tại sao nữa”. Vào mùa cạn, tầm tháng 10 đến tháng 12 là thời cao điểm sản xuất của các làng nghề phía đầu nguồn, lại trùng dịp mùa cạn, nước sông đen ngòm như bồ hóng, lội xuống, váng bẩn dính chặt vào chân. Mùi hôi bốc lên khủng khiếp, bay vào sâu trong làng, cách đó hàng trăm mét còn ngửi được.

Chị Đỗ Thị Bích, bán hàng ngay bên cạnh dòng sông cho biết: “Sông bây giờ bẩn khủng khiếp. Ngày nào bán hàng tôi cũng phải bịt kín khẩu trang mà vẫn đau đầu vì mùi hôi bốc lên”. Chị Bích bảo, trước kia, chỉ khoảng 15 năm thôi, mọi người vẫn dùng nước sông để ăn, tắm giặt bình thường, bây giờ thì hình ảnh đó chỉ còn lại như một kỉ niệm đẹp, để kể lại cho nhau nghe mà nhiều lúc còn không dám tin.

Trước kia, lúc mới bắt đầu nhiễm bẩn, mọi người vẫn xuống tắm và rửa ráy, ai cũng bị các bệnh ngoài da. Sau thì các gia đình biết nguyên nhân nên phải làm giếng khoan nhưng cũng chỉ để rửa ráy, nước ăn phải dùng nước mưa vì càng ngày, nước sông lẫn vào nước giếng, nhất là các hộ dân ở ven bờ.

Sông Đáy bây giờ mắc phải tiếng oan tày trời, “làm tình làm tội” người dân sống dọc hai bên bờ.

Con sông tức tưởi kêu cứu. Không ai còn nhận ra diện mạo của dòng sông từng được nhà thơ Lai Vu ca ngợi: “Dòng sông Đáy quê em. Sông trăng hay sông lụa” nữa. Sông trăng, sông lụa đã trôi về quá khứ.

Tiếc nuối cho một dòng sông, theo lời chỉ dẫn của anh Vinh, trưởng thôn Lam Điền, tôi ngược dòng tìm về phía những làng nghề.

Đó là nơi tạo ra nguồn lợi kinh tế, nguồn thu nhập của nhiều người, là một diện mạo khác của nông thôn. Đó là hiện thực. Hiện thực vui.

Nhưng đó cũng là nơi góp phần đắc lực, từng ngày từng giơ ngang nhiên bức hại dòng sông Đáy. Đó cũng là hiện thực. Hiện thực buồn.

(còn nữa)

(Theo Đinh Hữu Dư – nhandan.org.vn)