Đây là nội dung chính của hội thảo được Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.
Hiện nay, xử lý nước thải đô thị Việt Nam đang là mối quan tâm chính đối với những chuyên gia môi trường. Việc thu gom và xử lý nước thải ở đô thị Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tập trung với quy mô lớn. Quy trình thực hiện của hệ thống tập trung được thực hiện bằng việc thu gom nước thải từ các khu đông dân cư và vận chuyển tới trạm xử lý tại các vùng ngoại ô thành phố. Phương pháp này sẽ giảm thiểu những phiền toái và rủi ro về sức khoẻ cho người dân đô thị.
Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều nhược điểm như chi phí đầu tư cao, việc thi công khó khăn và đòi hỏi độ chính xác cao và tiêu chuẩn chất lượng xây dựng mà các nhà thầu Việt Nam không thể đáp ứng được.
Theo ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng, phương pháp xử lý nước thải tập trung chủ yếu phát triển tại các đô thị nơi có mật độ dân cư cao và có điều kiện tốt xây dựng hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên với khu dân cư phân tán, vùng ven đô, làng nghề… thì phương pháp này tỏ ra không phù hợp.
Hiện nay, một giải pháp công nghệ tiên tiến được nhiều nước áp dụng là quản lý nước thải phi tập trung. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư thấp do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm (hộ gia đình, bệnh viện, khu công nghiệp…) tới trạm ngắn hơn. Với từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý…
Hiện, Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ Việt Nam đã được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Ông Hanns Bernd Kuchta – Giám đốc Chương trình Quản lý nước và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ cho biết, sau 2/3 giai đoạn của chương trình (từ tháng 2/2005 đến 7/2011) kết quả bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Tại Sóc Trăng-một tỉnh mà chương trình thực hiện – việc sử dụng phí cấp thoát nước để trang trải cho chi phí xử lý nước thải đã được HĐND tỉnh thông qua. Còn tại Nghệ An, nhiều trạm xử lý nước thải phi tập trung tại Vinh đã đi vào hoạt động…
Cũng theo ông Hanns, việc triển khai chương trình xử lý nước thải phi tập trung ở Việt Nam có nhiều triển vọng. Đây là phương pháp tiếp cận mới trong xử lý nước thải ở Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu lên thực trạng tình hình xử lý nước thải đô thị tại Việt Nam hiện nay cũng như bàn ra nhiều giải pháp, sáng kiến cũng như các mô hình xử lý nước thải góp phần vào việc bảo vệ môi trường đô thị của nước ta hiện nay./.
(Theo VOV)