Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, chiều 4-10, các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn khác nhau của dự án Luật Đo lường, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Qua nhiều lần chỉnh lý, tiếp thu, dự thảo Luật Đo lường trình UBTVQH lần này có 9 chương, 57 điều (tăng 2 chương và 8 điều). Những nội dung liên quan tới chuẩn đo lường, quản lý hàng đóng gói sẵn, thanh tra, kiểm tra, xử phạt trong gian lận đo lường… nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên ủy ban. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cho rằng luật cần thể hiện rõ nét nội dung xã hội hóa các hoạt động đo lường trong các lĩnh vực: kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Bên cạnh đó cần bổ sung quy định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đo lường.
Nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các thành viên UBTVQH đề nghị luật cần quy định chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, khai thác mặt lợi kết hợp với phòng ngừa mặt hại. UBTVQH tán thành quy định của dự thảo luật về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng: việc sử dụng nước của các nhà máy thủy điện không nên thu tiền; việc khai thác nước dưới đất hoặc nước mặt ở những nơi khan hiếm để kinh doanh phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng dự án luật có khá nhiều điều, nhiều quy định thiếu cụ thể. Đáng lưu ý, một số vấn đề không phù hợp các quy định pháp luật hiện hành như quy định về thuế trong luật. “Trong khi đó, Điều 64 của luật quy định về nguồn tài chính hoạt động tài nguyên nước lại nặng tính bao cấp, không mang tính xã hội hóa”, ông Hiển nhận xét. Có cùng quan điểm nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội đề nghị bổ sung vào luật chính sách nhà nước khuyến khích người dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước và chú trọng xã hội hóa nguồn tài chính hoạt động tài nguyên nước…
Liên quan đến kỹ thuật lập pháp, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần thiết kế lại các quy định về quan hệ quốc tế trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia. Đây là dự án luật trình lần đầu. Nếu mọi việc tiến hành đúng quy trình, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4.
* Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình và dự thảo luật dự kiến sẽ được trình bày và xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT được giao chuẩn bị, trình báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012; báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015… Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị trình: Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tờ trình và dự thảo Luật Quản lý giá… Bộ trưởng Bộ TN-MT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị trình báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng giao Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị trình báo cáo về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị trình báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2011.
Tác giả: Anh Thư – Lâm Nguyên
Nguồn: SGGP Online