Phiên chất vấn kỳ họp thứ hai, HĐND TP.Hà Nội: “Nóng” vì ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm

tt742Ngày 14.7, ngày thứ hai của kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, lãnh đạo TP đã trả lời 16 nội dung trong phiên chất vấn, trong đó có những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống người dân như vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…
Mới xử lý được 40% nước thải công nghiệp

Trả lời kiến nghị một số thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách về vấn đề nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề hiện tồn tại tình trạng nước thải sản xuất chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, gây bức xúc trong nhân dân, UBND TP cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP có 18 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích theo quy hoạch gần 3.941ha, có 8 khu đã hoạt động. Trong đó, có 5 khu hoàn thành việc xây nhà máy xử lý nước thải và đã hoạt động chính thức; 2 KCN đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung; 1 KCN đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà máy xử lý nước thải tập trung. 5 KCN đang triển khai thủ tục thu hồi đất và GPMB và 3 KCN đang chuẩn bị dự án đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1.350 làng nghề. Việc sản xuất kinh doanh của các cơ sở trong khu vực làng nghề đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn, khí bụi thải đang ngày càng gia tăng, trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chưa đáp ứng kịp.

Cũng theo UBND TP, sau gần 2 năm thực hiện đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, nhiều trạm xử lý nước thải đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do đó, lượng nước thải công nghiệp thải ra từ các khu, cụm công nghiệp đã được xử lý đạt khoảng 40%. Một số dự án tiếp tục được đầu tư và dự kiến đưa vào hoạt động thời gian tới như: Trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, Trạm xử lý nước thải KCN Thạch Thất – Quốc Oai…

Năm 2011, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn thanh tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước đối với 600 đơn vị, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tính đến ngày 12.7.2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 41 quyết định, UBND TP.Hà Nội ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt 1.898.250.000 đồng.

Về các biện pháp, lộ trình khắc phục trong thời gian tới, TP cho biết, đối với KCN bắt đầu xây dựng, yêu cầu phải xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động; công khai danh sách các khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và thời hạn phải hoàn thành việc xây dựng để nhân dân cùng giám sát; kiên quyết xử lý chủ đầu tư hoặc đình chỉ hoạt động các trường hợp cố tình vi phạm, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.

Chưa kiểm soát được vệ sinh  an toàn thực phẩm

Một số đại biểu thành viên Ban Văn hoá – Xã hội đề nghị UBND TP làm rõ thực trạng kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tươi sống cũng như qua chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo UBND TP, hiện nay chưa kiểm soát hết được VSATTP của thực phẩm tươi sống cũng như qua chế biến trên địa bàn. Về sản xuất rau, HN có 12.041ha với sản lượng 570.000 tấn/năm (đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, 40% nhập từ các địa phương khác). Trong 12.041ha sản xuất rau có 3.255ha sản xuất theo quy trình RAT do Sở NNPTNT ban hành, số còn lại sản xuất từ các hộ nhỏ lẻ nên khó kiểm soát.

Về chăn nuôi, giết mổ, hằng năm Hà Nội đảm bảo được 308.000 tấn thịt lợn; 1.451 tấn thịt trâu, 8.700 tấn thịt bò; 52.000 tấn thịt gia cầm, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 480.000 tấn thịt hơi/năm. Vì vậy, chăn nuôi của Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của TP. Các cơ sở giết mổ tập trung kiểm soát tốt ATTP. Các cơ sở giết mổ phân tán ở các huyện ngoại thành mổ số lượng ít, hình thức theo mùa vụ, nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh.

Về nguyên nhân, UBTP cho rằng do thực phẩm chưa quản lý được theo chuỗi, từ nguồn gốc đến lưu thông phân phối và đến người tiêu dùng. Ngoài ra, khó kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công nhỏ lẻ, do phân tán, tự phát trong khu dân cư. Các hộ sản xuất rau nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm tại chợ cóc, chợ tạm, thực phẩm tươi sống được đưa về từ các tỉnh lân cận theo nhiều đường nên cũng rất khó kiểm soát. Cán bộ làm công tác VSATTP ở các ngành, các cấp còn thiếu và trình độ quản lý chuyên môn còn hạn chế…

Đưa ra giải pháp, UBTP cam kết, sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, cơ sở sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định; xây dựng các mô hình thực phẩm an toàn, như mô hình điểm thức ăn đường phố, mô hình sản xuất rau hữu cơ, cơ sở giết mổ thủ công tập trung, các cửa hàng bán thực phẩm an toàn…

(Theo laodong.com.vn)