Phát triển mô hình cấp nước bền vững các vùng núi cao và hải đảo

BomCT2-2_ao

Trong những năm qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đổi mới, bám sát nhiệm vụ chuyên môn, góp phần động viên, tạo sức mạnh lan tỏa đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động hăng hái phấn đấu vươn lên, sáng tạo trong công tác, góp phần khẳng định được vị thế của Trung tâm trong lĩnh vực tài nguyên nước, từng bước phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước quốc gia. Điển hình trong các phong trào thi đua là thực thi có hiệu quả nhiệm vụ quy hoạch, điều tra, quan trắc tài nguyên nước từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khan hiếm nước, vùng hải đảo xa xôi, vùng biên cương của Tổ quốc; phát triển mô hình cấp nước bền vững các vùng núi cao, hải đảo.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho công tác khai thác, sử dụng các nguồn nước phục vụ cho ăn uống sinh hoạt của nhân dân ở các vùng núi cao và hải đảo như xây các bể chứa, hồ treo, làm các công trình nước tự chảy, khảo sát khoan thăm dò nước dưới đất… Đến nay, các công trình đó đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô hạn. Các hồ treo, bể chứa, công trình cấp nước hiện đã xuống cấp hoặc bị cạn kiệt do điều kiện thi công, thời tiết, khí hậu bất thường không đảm bảo cung cấp nước cho đời sống nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Về tài nguyên nước ở các vùng núi cao và hải đảo, tài nguyên nước mặt gần như bị cạn kiệt về mùa khô. Nước dưới đất đã được điều tra, đánh giá ở nhiều dự án, công trình khác nhau. Kết quả là đã khoan hàng nghìn lỗ khoan nghiên cứu khả năng chứa nước của đất đá và đã tìm ra được nhiều nguồn nước có giá trị, giải quyết phần nào nhu cầu bức xúc về nước của nhân dân các vùng núi cao, hải đảo, vùng biên giới… Một số lỗ khoan sau khi đạt mục đích nghiên cứu địa chất thủy văn đã được khai dẫn, lắp đặt máy bơm khai thác nước phục vụ nhu cầu nước của nhân dân, điển hình như ở cao nguyên đá Đồng Văn hay ngoài các đảo như Côn Đảo, Cô Tô, Vĩnh Thực, đảo Trần,….

Khơi nguồn nước quý thành công trên cao nguyên đá Đồng Văn

Nổi bật trong 5 năm qua là việc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật hiện đại như phân tích ảnh viễn thám, các phương pháp địa vật lý rồi tiến hành khoan đã phát hiện ra nguồn nước dưới đất có lưu lượng lớn, chất lượng tốt tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nơi đặc biệt khan hiếm về nước. Việc tìm ra nguồn nước quý giá này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của Bộ năm 2013.

Kế thừa kết quả Điều tra, đánh giá của các giai đoạn trước, Liên đoàn đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang đầu tư thực hiện Dự án Khảo sát đánh giá lại thực trạng nguồn nước và xây dựng công trình cấp nước cho thị trấn Đồng Văn. Kết quả đã thi công và kết cấu thành công 02 giếng khoan khai thác với công suất khai thác 850m3/ngày đêm, cấp nước đủ cho nhân dân thị trấn Đồng Văn với số dân khoảng 10.000 người. Đến nay, công trình này đã cấp nước ổn định cho trung tâm thị trấn Đồng Văn, thay thế toàn bộ nguồn cấp từ nước mặt không qua xử lý bằng nguồn nước sạch ổn định cả về trữ lượng và chất lượng, đủ điều kiện cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và khách du lịch của cao nguyên đá.

Từ hiệu quả của mô hình khai dẫn và cấp nước sạch cho nhân dân thị trấn Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang đang huy động nguồn vốn đầu tư để tiếp tục phối hợp với Liên đoàn nhân rộng mô hình này tại các khu vực có trữ lượng nguồn nước ngầm đã được điều tra đánh giá đủ điều kiện đưa vào khai thác để sử dụng cho nhu cầu của nhận dân các địa phương như Thị trấn Mèo Vạc, thị trấn Tam Sơn, thị trấn Yên Minh, xã Quyết Tiến,… nhằm tiếp tục đảm bảo cấp nước sinh hoạt bền vững cho người dân ở các vùng núi cao trong mùa khô; cùng với các mô hình cấp nước khác, giải quyết dứt điểm nhu cầu nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Nguồn nước quý trên hòn Đảo ở cực Đông Bắc của Tổ quốc

Phát triển mô hình thành công ở Đồng Văn, đầu năm 2013, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thành công 3 lỗ khoan trên đảo Trần đã phát hiện được nguồn nước nhạt có lưu lượng khoảng 268m3/ngày. Chất lượng nước tương đối tốt, nước nhạt, các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép. Trên cơ sở trữ lượng và chất lượng nguồn nước có giá trị này Liên đoàn đã xây dựng 2 trạm cấp nước tập trung gồm giếng khoan và hệ thống xử lý nước, bồn chứa 200m3 và các thiết bị đồng bộ khác. Toàn bộ hệ thống trạm cấp nước đã được Liên đoàn bàn giao cho địa phương đưa vào khai thác, sử dụng ngay và đến nay hệ thống vẫn hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp nước hàng ngày cho quân và dân trên Đảo. Với kết quả tìm kiếm nguồn nước và kết hợp xây dựng công trình cấp nước trên, chất lượng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trần được nâng lên bởi trên hòn đảo được mệnh danh là khô cằn nhất tỉnh Quảng Ninh và “Trường Sa ở cực Đông Bắc” đã có nguồn nước quý để sử dụng, góp phần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yên tâm canh giữ đảo.

Giải pháp đề phát triển các mô hình cấp nước bền vững

Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc điều tra, tìm kiếm được nhiều nguồn nước dưới đất có giá trị tại một số vùng khan hiếm nước, song mục tiêu lớn đặt ra là xây dựng được các mô hình cấp nước bền vững cho nhân dân ở các vùng núi cao, vùng hải đảo vẫn chưa đạt được trọn vẹn. Do các nhiệm vụ trước đây với mục tiêu chính là tìm ra nguồn nước, xác định trữ lượng, chất lượng và có định hướng khai thác như thế nào cho địa phương nên mức độ đầu tư cho công tác khai dẫn còn hạn chế (cấp nước sạch đến người dân). Nhiều vùng sau khi thi công các nhiệm vụ đã tìm ra được nhiều nguồn nước có giá trị nhưng do nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp nên chưa khai thác.

Vì vậy, thời gian tới cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể từng nguồn nước để đưa ra công nghệ và giải pháp kỹ thuật khai thác đặc biệt là nguồn nước dưới đất trong các hang động karst trên các vùng núi đá vôi; kỹ thuật khai thác nước trong các thấu kính nước nhạt vùng ven biển; công nghệ và giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất khai thác của các giếng khoan có lưu lượng thấp; công nghệ, giải pháp kỹ thuật xử lý nước bị ô nhiễm.

Trên cơ sở kết quả điều tra từ nguồn vốn của Trung ương, căn cứ điều kiện thực tế từng địa phương, chọn những bước đi và giải pháp thích hợp, huy động được mọi nguồn lực kể cả của dân địa phương để có thể đưa ngay nguồn nước đến tận tay người sử dụng, tránh tình trạng nguồn nước thì có nhưng đồng bào vẫn không có nước sạch dùng trong ăn uống sinh hoạt. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ 3 yếu tố “đánh giá kỹ về nguồn – vận hành cấp nước chuyên nghiệp – người dân chấp nhận sử dụng”. Lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bên vững để kết hợp được giữa nguồn vốn trung ương với nguồn vốn địa phương.

(Theo monre.gov.vn)