Phát triển thủy điện cần được các cấp xem xét một cách thận trọng

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học “Phát triển thủy điện bền vững: Các bài học và khuyến nghị” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thành phố Tam Kỳ ngày 7/5.      
Dự Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy điện, thủy lợi, sông ngòi Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam một lần nữa đã thảo luận việc được và mất do các công trình thủy điện mang lại. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về trách nhiệm, quyền hạn và sự giám sát của cấp phê duyệt, thẩm định dự án, công trình; trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, chính quyền địa phương; vấn đề minh bạch thông tin, xây dựng cơ chế phản biện, giám sát của các tổ chức tư vấn độc lập trong xây dựng và vận hành các công trình thủy điện, vai trò của cộng đồng…    
Hội thảo cũng khẳng định, thủy điện đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. Theo sơ đồ VII và 9 nhóm giải pháp về phát triển thủy điện được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, nâng tổng công suất thủy điện đạt 17.400 MW, chiếm 23,1% trên tổng số 75.000MW tổng nguồn điện năng Quốc gia. Theo đó, nguồn lực thủy điện được khai thác tập trung ở các hệ thống Sông Đà 6.800MW, Đồng Nai 3.000 MW, Sê San 2.000MW, Lô Gâm 1.600MW, Vu Gia- Thu Bồn 1.500 MW, Mã – Chu 760MW, Sông Cả 480MW, Sông Hương 280MW, Sông Ba Hạ 550MW, và tiềm năng thủy điện nhỏ có tổng công suất khoảng 3.000MW. Thủy điện đóng vai trò điều hòa nguồn nước cho vùng hạ lưu, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, hạ tầng vùng khó khăn, miền núi. Tuy nhiên, trên thực tế sau một khoảng thời gian phát triển thủy điện ở nước ta đã làm nảy sinh những vấn đề như: mất rừng, suy thoái đa dạng sinh học, mất đất sản xuất làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thay đổi thủy văn các sông ngòi, gây địa chấn động đất kịch thích… Một số thủy điện không thực hiện vai trò cắt lũ vào mùa mưa, điều tiết nước vào mùa khô. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng nguyên nhân là do những bất cập trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình thủy điện.    
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, đến nay tiềm năng thủy điện của nước ta đã khai thác gần hết, trong khi đó qui chuẩn quốc gia về thủy điện hiện mới đang soạn thảo. Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình thủy lợi chưa có quy định về quy chuẩn kỹ thuật công nghệ bê tông đầm lăn (RCC- bê tông ở dạng chưa đông cứng được đầm lăn bằng máy đầm lăn), nhưng trên thực tế tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều công trình được xây dựng theo công nghệ này, trong đó có Thủy điện Sông Tranh 2. Trong khi đó, chưa có cơ sở pháp luật nào quy định về sự an toàn cho các hồ chứa. Đề cập đến những tồn tại về xây dựng thủy điện ở miền Trung, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên nhân là do bất lợi của thiên nhiên, đó là điều kiện địa chất không tốt, không có vùng chứa nước lớn nên việc tích nước vào mùa lũ, điều tiết nước vào mùa khô không tốt. Ngoài ra, do bất cập về năng lực với tốc độ xây dựng thủy điện vừa và nhỏ quá nhanh nhưng lại yếu kém về cơ sở hạ tầng.    
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh không được giải quyết thấu đáo trên cơ sở các căn cứ khoa học vững chắc sẽ để lại nhiều hậu quả xấu về môi trường sinh thái, ảnh hưởng tính nguyên vẹn của các dòng sông. Tình trạng ngập lụt vùng hạ du do thủy điện xả lũ; vấn đề an toàn đập; công tác tái định cư, hậu tái định cư, nhân dân thiếu đất sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, hạ tầng tái định cư chưa tính đến yếu tố phù hợp với đời sống, phong tục và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân đã bỏ khu tái định cư, phá rừng làm nhà, làm rẫy. Thủy điện chưa làm tốt chức năng điều tiết lũ, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô và gần đây nhất là sự cố rò rỉ nước tại thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 làm cho chính quyền và nhân dân hết sức lo lắng.  
Tiến sỹ Đào Trọng Hưng, thành viên Ban Thường vụ Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam thừa nhận: Phát triển thủy điện đã làm mất rừng, ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học, mất đất sản xuất, xói mòn, bồi lắng lòng hồ. Trong đó mạng lưới sông ngòi bị thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, chia nước lưu vực, biến dạng địa mạo ven bờ vùng cửa sông, gây địa chấn – động đất, tác động xấu đến hệ sinh thái thủy vực và ô nhiễm nguồn nước. Theo Tiến sỹ Hưng, phát triển thủy điện còn gây ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay có đến 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, trung bình mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “cõng” 2,5 dự án thủy điện. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên như Cát Tiên còn có tới 6 dự án, Hoàng Liên có 6 dự án, khu bảo tồn Sông Tranh có 7 dự án… đã ảnh hưởng liên hoàn đến sinh cảnh các loài quý hiếm cả trên cạn và dưới nước và các hành lang bảo tồn. Như Thủy điện Sông Tranh 2 làm mất đất lúa nước, đất rừng trồng, đất nương rẫy, cây công nghiệp, vườn nhà, đất màu ven sông suối, đất ao cá, và đất bãi chăn gia súc, gia cầm.  
Liên quan đến sự cố đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia cho rằng: chưa có một cơ quan nào của Việt Nam dám khẳng định đập Thủy điện Sông Tranh 2 là an toàn. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư và các nhà thầu đã thuê một công ty của Trung Quốc chuyên xử lý sự cố đập thuỷ điện đến xử lý, với cam kết hết tháng 7/2012 sẽ hoàn thành… Các đại biểu đồng tình, để người dân tham gia theo dõi sự vận hành của các hồ chứa thủy điện, phản ánh kịp thời với chính quyền về các hiện tượng bất thường xảy ra trong quá trình vận hành, cắt lũ; người dân phải chấp hành các kế hoạch của cơ quan chức năng khi có sự cố. Hội thảo cũng cho rằng, đã đến lúc phải đánh giá lại sự ổn định, tuổi thọ của các công trình thủy điện hiện nay.     
Để phát triển thủy điện một cách bền vững, theo các chuyên gia cần phải minh bạch thông tin, phát triển thủy điện cần phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình. Các bộ, ngành phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ thi công thủy điện phải theo quy định của nhà nước, lập quy trình và tiến hành kiểm tra an toàn hồ đập; đánh giá mức độ rủi ro khi tích nước và có biện pháp ứng phó. Chủ đầu tư các công trình đập thủy điện phải đảm bảo có qui trình tích nước, xã lũ an toàn, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố.       
Tại Hội thảo thông điệp của mạng lưới sông ngòi Việt Nam về phát triển thuỷ điện bền vững cũng đã được đưa ra. Theo đó, kế hoạch phát triển thủy điện cần được các cấp ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế sự phát triển thuỷ điện tràn lan – giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái của dòng sông, văn hóa các cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau. Việc phát triển thủy điện cần phải bền vững vì lợi ích của tất cả; có sự tham gia thực sự của các bên liên quan, cộng đồng ảnh hưởng trong quá trình từ quy hoạch đến vận hàng. Đối với các công trình đang và sẽ ra đời – cơ chế chia sẻ lợi ích một cách công bằng giữa nhà đầu tư    – cộng đồng trong suốt quá trình vận hành công trình. Không để sự cố, thảm hoạ xảy ra. Đề nghị khi thiết kế và thi công công trình thủy điện cần phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khi xác định cấp công trình, tính toán kỹ thuật công trình. Duy trì và phục hồi rừng đầu ngồn. Phải có kịch bản liên quan đến các sự cố đập và các phương án phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của đập. Thông tin về phát triển thuỷ điện, về an toàn đập và các vấn đề liên quan càng minh bạch – công khai đối với tất cả các bên liên quan ( Cộng đồng, các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng…). Việc phát triển thủy điện cần phải đặc biệt chú ý đến chính sách tái định cư cho người dân bị di dời, nơi ở mới phải thỏa mãn các nhu cầu về cả văn hóa tinh thần và vật chất…  
           (Theo Monre.gov.vn)