Phải tăng cường hợp tác bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên Nước

vv210Ngày 20/03/2013, tại TP. Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hợp tác vì nước”. Tham dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai, cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các Cục, Viện thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho rằng, Nước là tư liệu quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất, không có nước thì không thể phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người, điều này đã được khẳng định trong rất nhiều diễn đàn quan trọng trên thế giới.

Xuất khẩu gạo và thuỷ sản là 2 mặt hàng thế mạnh và chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước, nơi sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước… Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước và các dịch vụ về nước ngày càng gia tăng như hiện nay, Ngày nước thế giới năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước, cũng như đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành, các nhóm sử dụng nước trong nước cũng như giữa các quốc gia có chung nguồn nước, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện điều kiện sống và các cơ hội giáo dục đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học…

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường đại học Cần Thơ, qua các số liệu quan trắc thủy văn cho thấy từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng ĐBSCL ngày càng giảm sút rõ rệt, năm 2010 được xem là năm mà có dòng chảy thấp nhất hàng thập kỷ nay. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí khô nóng làm nguồn nước hiếm hoi ở vùng đồng bằng bốc hơi mãnh liệt làm nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Tầng nước ngầm có nhiều nơi sụt giảm từ 3 đến 5 mét. Đồng thời với sự khai thác ồ ạt qua các giếng khoan tư nhân, sự thiếu kiểm soát và chưa có biện pháp quản lý tài nguyên nước dưới đất hữu hiệu làm cho nguồn nước ngầm có dấu hiệu xấu đi… Từ thực trạng trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn kiến nghị: “Các cơ quan quản lý tài nguyên và cộng đồng địa phương phải có liên kết, có cam kết chính trị và đầu tư tài chính hiệu quả trong việc kiểm kê, quy hoạch, khai thác, phân phối, sử dụng và bảo vệ môi trường nước. Phải có cơ chế pháp lý thông qua các đàm phán chính trị nhằm cân đối và giải quyết các mâu thuẫn nguồn nước giữa các quốc gia ở lưu vực. Bên cạnh đó, cần củng cố, bổ sung và cụ thể hóa hơn nữa Luật Tài nguyên Nước và Luật Bảo vệ Môi trường để đáp ứng những tình huống mới phát sinh chế tài những hành vi làm tổn hại nguồn nước…”.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đánh giá rất cao các mô hình, giải pháp, đề xuất, kiến nghị được các đại biểu nêu ra tại hội thảo. Đây là cơ sở để các Bộ, ngành liên quan xây dựng bộ công cụ khung pháp lý và thể chế, trao đổi thông tin, cơ chế giải quyết xung đột, chia sẻ chi phí và lợi ích tài chính…”.

                                                         (Theo Monre.gov.vn)