Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có địa giới hành chính bao gồm 9 huyện và 1 thành phố (thành phố Bắc Giang), có 229 xã phường, thị trấn. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 3.822 km2, dân số 1.563.468 người. Những năm qua, mặc dù còn có khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Bắc Giang đã triển khai có hiệu quả, đáng khích lệ, góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Trao đổi với Báo TN&MT, ông Trương Đức Nhẫn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang cho biết, công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường trên địa bàn đã giảm, các đơn thư khiếu kiện đã bớt dần, công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất… phục vụ các dự án được thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên ở một số nơi còn tồn tại tình trạng lấn chiếm đất, khai thác cát sỏi trái phép, đổ trộm rác, phế liệu gây ô nhiễm môi trường . Những tồn tại này sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian tới.
n PV: Với diện tích đất rộng, tài nguyên khoáng sản đa dạng, Bắc Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Với chức năng quản lý Nhà nước về TN&MT, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh những giải pháp gì để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, thưa ông ?
Phó Giám đốc Trương Đức Nhẫn: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành, đề ra những Chương trình, Kế hoạch, xác định các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và có các giải pháp cụ thể để thực hiện. Sở TN&MT đã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp quy về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường được thực hiện đúng luật, tiết kiệm, có hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Về lĩnh vực đất đai: Sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 40/KH-UBND ngày 15/12/2004 để triển khai thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015; đo đạc bản đồ địa chính; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh hàng năm để nâng cao giá trị tài nguyên đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đúng pháp luật, công khai tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đúng tiến độ. Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng đất đối với các dự án đầu tư… Đến nay, toàn tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 16.148,6 ha. Với 116 dự án đầu tư vào 6 khu công nghiệp, 200 dự án vào 29 cụm công nghiệp. Hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn đều được các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đảm bảo các hạng mục đầu tư đúng như đã cam kết. Từ năm 2004 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai và các Nghị định để áp dụng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai của tỉnh cơ bản được ban hành đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền và thống nhất trong toàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh.
Về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản: Bắc Giang là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua diễn ra hết sức phong phú, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông (khai thác khoảng 500.000 m3/năm), than (khai thác khoảng 150.000 tấn/năm), quặng Barite (khai thác khoảng 20.000 tấn/năm), quặng đồng (khai thác khoảng 25.000 tấn/năm), quặng sắt (khai thác khoảng 35.000 tấn/năm), đất làm nguyên liệu san lấp mặt bằng… các hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người lao động, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay hoạt động khai thác khoáng sản đã dần đi vào nề nếp, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản còn bộc lộ những bất cập, nhất là khai thác khoáng sản trái phép, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh khu vực khai thác… Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản sét gốm, sét kao lin; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận… để chủ động quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này. Phối hợp với các ngành chức năng, huyện, thị và các tỉnh bạn kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm về hoạt động khai thác vàng ở Lục Ngạn, cát sỏi ở lòng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, đất san lấp mặt bằng, khai thác nguồn nước, xả thải vào nguồn nước. Đến nay, Sở đã thẩm định 114 hồ sơ, trong đó cấp phép cho 108 cơ sở khai thác cát sỏi và cấp 158 giấy phép cho các cơ sở khai thác tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.
n PV: Vượt qua khó khăn của một tỉnh miền núi, Sở TN&MT Bắc Giang đã không ngừng đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Ông có thể cho biết những nét nổi bật về hoạt động này trong thời gian qua. Xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường, ông có kiến nghị gì, thưa ông ?
Phó Giám đốc Trương Đức Nhẫn: Ngay sau khi có Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ Chính trị, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 25 Văn bản chỉ đạo về công tác BVMT tại địa phương như: Kế hoạch số 70-KH/TU ngày 28/4/2005 của Tỉnh ủy về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước; Quyết định số 59/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 1062/UBND-TNMT ngày 11/5/2007 của UBND tỉnh về việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Quyết định số 62/2006/QĐ-UBND ngày 17/10/2006 về quy hoạch BVMT tỉnh Bắc Giang đến năm 2010 định hướng đến năm 2020… Các văn bản này đã được triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn, do đó nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống. Sở đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức hơn 60 hội nghị triển khai Luật BVMT với khoảng trên 6.000 người tham dự. Hàng năm, Sở hướng dẫn và phối hợp với các huyện, TP tổ chức những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn với hàng chục nghìn người tham gia; ký 11 Nghị quyết liên tịch với các tổ chức, đoàn thể của tỉnh về bảo vệ môi trường; thẩm định 119 Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); thẩm định và phê duyệt 31 Đề án bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường được duy trì và thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật. Đến nay, 7/11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Quyết định 64 của Chính phủ đã được Sở đôn đốc triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm triệt để; tổ chức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đạt 13,5 tỉ đồng; bình xét, tặng Giải thưởng môi trường của tỉnh cho 42 tổ chức và 19 cá nhân; xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020; quan trắc định kỳ môi trường hàng năm…
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã kiểm tra 155 doanh nghiệp, xử phạt 35 doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật và nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án, Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
Để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, cần tăng cường số lượng, chất lượng cho đội ngũ làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến các địa phương; Sự hướng dẫn cụ thể của Bộ TN&MT trong thực hiện Luật BVMT; Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường; ưu tiên kinh phí hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường…
n Xin cám ơn ông !
(Theo Monre.gov.vn)