Ô nhiễm Hồ Tây và tương lai nhỡn tiền

vv4Hồ Tây, lá phổi xanh của Hà Nội, bị tác động mạnh bởi hoạt động của con người, có nguy cơ chỉ còn là một thủy vực chết, một ao lớn nuôi cá hoặc là một bể chứa nước cỡ lớn chống úng trong vài chục năm nữa.

Theo GS.TS Mai Đình Yên – Giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hồ Tây được đánh giá là hồ lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích khoảng 500 ha, độ sâu trung bình 1,5m và là một trong vài hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích thuộc loại lớn nhất ở nước ta. Hồ Tây được xếp vào danh sách các hồ cần bảo tồn trên thế giới.

Theo báo cáo “Sơ bộ phân tích biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái Hồ Tây” của Đại học Quốc gia Hà Nội, Hồ Tây là đại diện điển hình cho đa dạng sinh học nước ngọt, kiểu nước đứng của đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm tảo phù du 117 loài, thực vật thủy sinh 18 loài, động vật không xương sống 54 loài, cá có 40 loài, chim nước 11 loài. Hồ Tây có chín loài tảo phù du chưa định danh được.

Thủa mà cư dân Hồ Tây vớt tôm trên lá sen đã qua từ lâu. Tác động của con người đã khiến hai nhóm đa dạng sinh học của hồ là thực vật thủy sinh và động vật đáy bị suy thoái nghiêm trọng. Thực vật thủy sinh bị suy thoái do con người chặt, dọn vứt bỏ. Suy thoái của động vật đáy còn có thể do tác động trực tiếp của nước bị ô nhiễm.

Hồ Tây có thể thành ao?

Vấn đề là nên bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của Hồ Tây, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu hay theo hướng xây dựng Hồ Tây thành bể chứa nước chống ngập úng cho thành phố, thành hồ nuôi cá, nơi phục vụ giải trí, du lịch – GSTS Mai Đình Yên băn khoăn.

Lượng mưa tăng tuy ít nhưng lại không đều. Xen kẽ giữa lũ lụt và hạn hán bất thường khiến lượng xói mòn tăng, lượng trầm tích tăng. Kết cục Hồ Tây bị nông dần với mức độ nhanh hơn hiện nay và tuổi thọ của nó vì thế cũng giảm nhanh.

Tuy đã có nhiều cố gắng của thành phố, nhưng đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của Hồ Tây vẫn bị nhiều áp lực từ việc lấn chiếm, phân cắt hồ thành các khu vực phục vụ các mục đích khác nhau.

Ô nhiễm bởi các nguồn thải từ vùng lưu vực của các hoạt động du lịch trên hồ, kể cả các chất thải rắn cũng góp phần hủy hoại Hồ Tây. Hay như việc tiếp tục nuôi cá ở Hồ Tây gây áp lực đối với các loài cá bản địa, cô lập hồ với các thủy vực xung quanh.

Hà Nội hiện mới chỉ bảo vệ Hồ Tây theo hướng bảo vệ cảnh quan, khai thác hồ chống úng, phát triển du lịch, nuôi cá. Tịnh không thấy bảo vệ theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Nếu cộng cả hai hướng tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, rủi ro tiêu diệt đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của Hồ Tây là rất lớn. Hồ Tây lúc ấy sẽ là một hồ chết.

Th.S Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường & Cộng đồng cho hay, Hồ Tây có nhiều cơ hội thuận lợi để bảo tồn hệ sinh thái. Với diện tích đủ rộng, hồ có khả năng tự phục hồi dễ hơn nhiều so với các hồ nhỏ, nhất là sau những lần mưa.

Nếu được liên thông trở lại với sông Hồng như tự thuở nào, cộng với một ban quản lý hồ hoạt động hiệu quả, định kỳ nạo vét bùn lắng, vớt rác thải, xử lý nước thải trước khi đổ vào hồ, v.v…, Hồ Tây chắc chắn sẽ có cơ hội sống.

 

 

Sáu biện pháp cứu Hồ Tây khỏi cái chết sinh thái

– Xử lý ô nhiễm nước bằng phục hồi hệ thực vật thủy sinh.

– Nạo vét bùn thường xuyên để chống lắng đọng trầm tích.

– Đánh bắt tích cực các loài ngoại lai xâm lấn.

– Không nuôi cá như hiện nay mà để đa dạng sinh học cá và các sinh vật thủy sinh bản địa tự do phát triển rồi khai thác hợp lý.

– Đào kênh cho Hồ Tây liên thông với sông Hồng và các khu vực lân cận.

– Quản lý chặt các hoạt động xung quanh ở trong hồ theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của hồ.

 

(Theo Monre.gov.vn)