Nước – yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực

vv7Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay có chủ đề “Nước và an ninh lương thực” tiếp tục gửi tới một thông điệp, cần giữ gìn nguồn nước để đảm bảo “vựa lương thực” của nhân loại.

Nguy cơ thiếu đất và nước biển dâng

Nếu mức tăng dân số tiếp tục được kiểm soát ở mức bình quân 1,2% trong giai đoạn 2010-2020 thì dân số Việt Nam năm 2020 sẽ vào khoảng 98,6 triệu người và để đảm bảo an ninh lương thực trong nước chúng ta cần phải duy trì diện tích đất chuyên trồng lúa hai vụ khoảng 3,8 triệu héc-ta với điều kiện được đáp ứng nguồn nước một cách đầy đủ cả về số lượng, chất lượng.

Việt Nam cũng được xác định là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất sẽ kéo đến việc ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp. Biến đổi khí hậu làm suy giảm năng suất cây trồng trong khi nước biển dâng và xâm nhập mặn khiến diện tích đất trồng trọt bị thu hẹp. Dự báo đến năm 2100, khoảng 20-30% diện tích đất nông nghiệp của nước ta sẽ bị ngập do nước biển dâng, kéo theo sự sụt giảm tương đương 10 triệu tấn tổng sản lượng lương thực quốc gia, tập trung ở hai khu vực sản xuất nông nghiệp chính là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Nền nông nghiệp của Việt Nam giảm sút chẳng những ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia mà còn ảnh hưởng đến “nồi cơm” thế giới, bởi Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo trên toàn cầu.

Trong khi đó, nguồn nước, yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp của nước ta lại không dồi dào, ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Đó là sự phụ thuộc vào các nguồn nước quốc tế; phân bố nguồn nước không đồng đều giữa các vùng và các mùa trong năm; gia tăng dân số và phát triển kinh tế – xã hội; suy thoái tài nguyên nước.

Chiến lược liên ngành

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước khẳng định: Không có nước thì không có nông nghiệp. Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp là đối tượng sử dụng nhiều nước nhất, chiếm tới 70% nhu cầu nước.

Để đáp ứng nhu cầu nước rất lớn này trong bối cảnh tài nguyên nước của quốc gia hiện nay, theo ông Châu Trần Vĩnh, Việt Nam cần có những giải pháp chiến lược mang tính tổng thể và không chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành nước và nông nghiệp mà mang tính liên ngành – đất đai, công nghiệp, năng lượng, môi trường, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, thông tin – truyền thông…

Điều quan trọng là cần có những chính sách và công cụ pháp lý hữu hiệu về quy hoạch và phân bổ nguồn nước; tăng cường cơ sở hạ tầng tài nguyên nước; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý các cấp; áp dụng những thực tiễn, cách tiếp cận và thành tựu khoa học công nghệ mới trong quản lý tài nguyên nước và vận hành công trình; nâng cao nhận thức, năng lực và thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể và bên liên quan, đặc biệt là khối tư nhân và cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước.

Đồng thời cần có các biện pháp đa dạng hóa nguồn nước phục vụ nông nghiệp như sử dụng hoặc tái sử dụng có kiểm soát nước thải đã qua xử lý, nước lợ… đặc biệt ở những vùng khô hạn, thiếu nước hoặc có nguồn nước bị nhiễm mặn. Đồng thời, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất tưới và sản lượng cây trồng với phương châm “đạt năng suất cao hơn, tưới ít hơn” nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.

 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)