Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng hơn 1/4 số giếng nước uống ở vùng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, nơi dân cư đông đúc, chứa hàm lượng asen (thạch tín) ở mức không an toàn, có thể gây ung thư, các vấn đề về thần kinh và chứng tăng huyết áp.
Trong một công bố trên tạp chí “Proceedings of the National Academy of Sciences“, các nhà nghiên cứu cũng nói có tới 44% số giếng nước ở châu thổ sông Hồng chứa hàm lượng mangan, chất có thể gây rối loạn phát triển ở trẻ em, vượt quá các chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong thư điện tử gửi Reuters, tác giả chính của nghiên cứu này Michael Berg viết: “Khoảng 7 triệu người có nguy cơ lớn bị ngộ độc asen kinh niên. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại, bởi nước ngầm là nguồn nước uống chính trên toàn châu thổ (sông Hồng)”. Vùng châu thổ sông Hồng có 10 tỉnh, thành phố, với 16,6 triệu dân, trong đó 11 triệu người chưa thể tiếp cận nguồn nước máy và đang phải dựa vào các nguồn khác, như nước giếng khoan. Từ lâu, các chuyên gia đã biết rằng nước ngầm ở nhiều khu vực Đông Nam Á chứa asen ở mức nguy hiểm.
Berg, nhà khoa học cấp cao tại Viện Khoa học và Công nghệ Nước liên bang Thụy Sĩ cùng các cộng sự đã tiến hành lấy mẫu nước từ 512 giếng tư trên toàn châu thổ sông Hồng và phân tích hàm lượng asen, mangan cũng như các độc tố khác như selen hay bari. Berg viết: “65% số giếng khoan (nước ngầm) ở châu thổ sông Hồng chứa các độc tố có trong tự nhiên vượt quá tiêu chuẩn về an toàn của WHO. Nguy hiểm tới sức khỏe nhất là asen, với 27% số giếng có hàm lượng chất này vượt quá những chỉ dẫn của WHO và mangan với 44%”. Theo Berg và các cộng sự, tình trạng nhiễm độc trên diện rộng như vậy là do quá trình lịch sử rất dài của việc khai thác nước ngầm ở vùng châu thổ này.
Nước ngầm nhiễm asen cũng xảy ra ở nhiều nước khác như Argentina, Australia, Bangladesh, Chilê, Trung Quốc, Hunggary, Ấn Độ, Mexico, Pêru, Thái Lan và Mỹ. Theo WHO, nước chứa hơn 10 microgram asen/lít là không an toàn.
(Theo Monre.gov.vn)