Nước và sự phát triển đô thị ở Yên Bái

Nước sạch về với đồng bào Mông xã Nà Hẩu (Văn Yên).
Quản lý tài nguyên nước ở các đô thị và nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, với nhiều mục tiêu khác nhau như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, cấp nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị đặc biệt là cộng đồng nghèo.
Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2011 là “Nước cho phát triển đô thị”. Mục tiêu của Ngày Nước thế giới năm nay nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào các thách thức và sức ép ngày càng gia tăng tới nguồn nước từ quá trình đô thị hoá, phát triển công nghiệp, những bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai, và các mâu thuẫn giữa các đối tượng sử dụng nước ở đô thị.

Với chủ đề này, Liên Hợp Quốc muốn khuyến khích các chính phủ, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trên thế giới chủ động tham gia giải quyết các thách thức đối với công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hoá.

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phồn thịnh của đô thị, và việc quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này mang tính sống còn để đảm bảo an ninh lương thực, nước sạch, môi trường và vệ sinh cho khu vực đô thị. Nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn do tính chất xuyên suốt của hệ thống nguồn nước trong tự nhiên, theo đó, các vùng nông thôn là nơi cung cấp nguồn nước cho các khu vực đô thị. Do đó, công tác Quản lý tài nguyên nước ở các đô thị và nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, với nhiều mục tiêu khác nhau như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, cấp nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị đặc biệt là cộng đồng nghèo.

Điều này đòi hỏi phải có chiến lược mang tính tổng thể, có sự phối hợp và lồng ghép cao giữa các quy hoạch ngành, có tính đến mối tương tác giao thoa giữa đô thị và các vùng phụ cận. Nếu không được hoạch định và thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả, quá trình đô thị hoá quá nhanh sẽ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường và các hệ sinh thái, ngăn cản việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Tài nguyên nước tỉnh Yên Bái về cơ bản có đặc điểm là: nguồn nước tương đối phong phú, phần lớn là nguồn nước mặt từ bên ngoài chảy vào, tài nguyên nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, số lượng và chất lượng nước đang có xu hướng giảm sút.

Lượng nước mặt của Yên Bái được tạo bởi hai nguồn chính: do sông Hồng và sông Chảy chuyển tải từ thượng lưu về (lưu lượng bình quân của sông Hồng 2.640m3/s, sông chảy 192m3/s) và do lượng mưa (bình quân khoảng 1.800-1.900mm/năm, chưa trừ lượng bốc hơi, tương ứng 13 tỷ m3). Lượng mưa trên địa bàn tỉnh được chảy qua 83 con suối cấp 1, chủ yếu thuộc hệ thống hai con sông lớn (sông Hồng có 48 ngòi cấp 1, sông Chảy có 32 ngòi cấp 1) và rất nhiều chi lưu cấp 2, cấp 3 và hệ thống các hồ, đầm. Nguồn nước dưới đất của Yên Bái chưa được điều tra đánh giá, song có thể nhận định ở mức độ nghèo, chỉ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt là chính, nước dưới đất tồn tại trong các trầm tích bở rời và trong các khe nứt.

Nhu cầu cung cấp nước dùng trong mục đích sinh hoạt tại các đô thị Yên Bái là lớn nhất. Sau đó, nước còn phục vụ cho sản xuất nông – lâm nghiệp, các hoạt động dịch vụ và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại, lượng nước đáp ứng cho các nhu cầu ở đô thị của Yên Bái là khá đầy đủ, được lấy từ hai nguồn: nước mặt và nước dưới đất.

Điều đáng chú ý là qua khảo sát bước đầu, các nguồn nước mặt tại các đô thị trong tỉnh đã có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng tăng, nhất là hàm lượng BOD (nhu cầu oxy sinh hoá) và hàm lượng COD (nhu cầu oxy hoá học) đã vượt tiêu chuẩn cho phép theo tiêu chí dành cho nước sinh hoạt, còn chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nhìn chung là tốt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái khoá XVII đã chỉ rõ: “Xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2015, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc”.

Đây là định hướng dự báo tốc độ đô thị hoá của tỉnh là rất cao. Song, Yên Bái là tỉnh miền núi đang phát triển, chưa có đủ năng lực ứng phó với tất cả các thách thức phức tạp của đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Do vậy, nhu cầu cấp bách trước mắt là nâng cao nhận thức, khuyến khích thúc đẩy các cách tiếp cận mới trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý.

Việc từng bước tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu có tầm quan trọng đặc biệt, với sự tham gia rộng rãi hơn của các chủ thể và bên liên quan. Cần xem xét một cách đầy đủ mối tương tác hữu cơ giữa hệ thống các nguồn nước với phạm vi và không gian khu vực đô thị – nông thôn, và hơn hết, đặc biệt phải thiết lập được cơ chế điều phối liên ngành ở các cấp.

Không có nhận thức thì sẽ không có hành động! Chính vì vậy, trong các nhiệm vụ của mình, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của tài nguyên nước, việc khai thác sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng như giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này đã được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn hiện nay.

(Theo Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc Sở Tài nguyên và MT)