Nước trong biến đổi khí hậu: Tranh chấp hoặc chia sẻ?

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước
Ngay sau khi công bố kết quả kịch bản nước biển dâng, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến tài nguyên nước, đồng thời đề xuất các giải pháp thích ứng với sự thay đổi này.
Trên cơ sở các kịch bản BĐKH ở Việt Nam, ông Hoàng Minh Tuyển, Phó Giám đốc Dự án “Tác động của BĐKH lên tài nguyên nước và các biện pháp thích ứng “ cho biết, dưới tác động của BĐKH, nhiều nơi sẽ xảy ra những tranh chấp gay gắt về nước. Vì thế nhiều nơi cần phải xây dựng những cơ chế chia sẻ nguồn nước. Dự án được thực hiện tại 7 lưu vực sông: Sông Hồng, Thái Bình, Cả, Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn xâm nhập 90% diện tích

Theo ông Tuyển, BĐKH đã tác động mạnh tới ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng- Thái Bình. Với tốc độ này, dự kiến vào năm 2050, diện tích đất bị ảnh hưởng mặn ở ĐBSCL là 2.500.000ha. Gần 4/5 diện tích trên bán đảo Cà Mau bị mặn xâm nhập. Toàn bộ các diện tích của dự án Gà Công, Bảo Định, Bắc Bến Tre, Mỏ Cày, Nam Măng Thít, Tiếp Nhất… sẽ bị mặn xâm nhập. Khi xảy ra cơn lũ lớn trong những năm giữa thế kỷ 21, gần 90% diện tích tự nhiên vùng này sẽ bị ngập lụt ( khoảng 3.514.400ha). Ngoài các thành phố, thị xã đã bị ngập lũ hiện nay như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên.

Tại lưu vực sông Đồng Nai, dòng chảy giảm cùng với tác động của nước biển dâng, đến cuối thế kỷ 21, mặn lấn sâu thêm 10km, khoảng 300.000 ha ở hạ lưu bị ảnh hưởng ngập lụt do lũ thượng nguồn. Điều này tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2100, tại vùng Đồng bằng sông Hồng- Thái Bình, mặn sẽ xâm nhập sâu thêm vào đất liền từ 3-9km. Lũ thượng nguồn tăng, lưu lượng đỉnh lũ tăng từ 8-10% vào năm 2050 và có thể lên đến 11-25% vào năm 2100. Ông Tuyển cho biết, quy mô lũ ở vùng này có khả năng lớn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hệ thống hồ chứa thượng nguồn và gần 2700km hệ thống đê bảo vệ cho toàn đồng bằng.

Do chịu sức ép của việc khai thác, sử dụng nước khá cao, hệ thống thủy điện  vừa và nhỏ lại phân bố dày đặc, trong tương lai, lưu vực sông Thu Bồn, sông Ba sẽ diễn ra những tranh chấp gay gắt về nước. Bên cạnh đó, lũ sẽ lớn hơn dẫn đến diện tích ngập lụt gia tăng từ 4% năm 2050 đến 9% năm 2100. Trong mùa cạn, hạ lưu thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ đe dọa trực tiếp vùng đồng bằng với độ xâm nhập khoảng 3km trên sông Ba và có thể lên tới 8km tại một số nhánh sông thuộc hệ thống sông Thu Bồn trong năm 2100.

Tuy là con sông chịu tác động ít hơn, nhưng sông Cả là lưu vực có mức tăng nhiệt độ cao nhất, dòng chảy năm trên nhánh sông La giảm, nhất là vào mùa cạn giảm đến 10% vào năm 2100. Ông Tuyển cho rằng, vào cuối thế kỷ 21, đỉnh lũ tại khu vực này sẽ tăng khoảng 4-15% và sẽ tác động đến hệ thống công trình bảo vệ cho đồng bằng. Những dòng chính trên sông Cả sẽ bị mặn xâm nhập vào sâu thêm từ 4-5km.

Những biện pháp thích ứng

BĐKH đã gây ra những thay đổi nghiêm trọng đến tài nguyên nước trên các lưu vực sông, do vậy, ông Hoàng Minh Tuyển cho rằng, các địa phương ở các lưu vực sông cần chung tay để có ngay những biện pháp thích ứng, tăng cường hợp tác với các nước bạn trong việc quản lý tài nguyên nước.

Đối với sông Hồng, sông Thái Bình cần tiếp tục phát triển các hồ chứa đa mục tiêu. Việc khôi phục rừng phải đi đôi với việc thực hiện tiết kiệm nước trong các ngành, đặc biệt là nông nghiệp. Sông Cả cần thiết lập quy trình vận hành liên hồ chứa. Trên lưu  vực sông Thu Bồn cần phải nâng cấp, xây dựng các nhà máy cấp nước sinh hoạt, công nghiệp ở đô thị. Đồng thời phải tiến hành xây dựng các nhà tránh lũ cho dân trong các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, duy trì dòng chảy môi trường sau các công trình khai thác nước cũng là những việc cần làm ngay với lưu vực sông Ba. Tại lưu vực sông Đồng Nai, cần phải xây dựng một cơ chế chia sẻ nguồn nước. Việc xây dựng các tuyến đê và cống ngăn mặn cần kết hợp với việc chống ô nhiễm nguồn nước từ các nguồn thải công nghiệp và sinh hoạt. Riêng đối với ĐBSCL, cần hoàn thiện và củng cố những công trình thủy lợi trong quy hoạch lũ, có xét đến tác động BĐKH. Đồng thời sử dụng ngay các biện pháp tích trữ nước ngọt, cũng như tăng cường xây dựng các cống ngăn mặn.

 

(Theo Lê Na – Báo Đại Đoàn Kết)