Nước ngầm Tây Nguyên nhiều nơi bị giảm 4 – 5m

Đoàn Điều tra Quy hoạch Tài nguyên nước 704 đã thực hiện Quan trắc tài nguyên môi trường nước dưới đất khu vực Dăk Lăk và Dăk Nông, cho thấy: hiện nay, mực nước ngầm và chất lượng nước ở Dăk Lăk và Dăk Nông đã thay đổi; về mùa khô, mực nước ngầm trung bình toàn tỉnh thấp hơn những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khoảng 1,4 – 1,5m, thậm chí có nơi bị tụt giảm từ 4 – 5m.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị vào chiều ngày 7.12, ông Nguyễn Bách Thắng, chủ nhiệm dự án Quan trắc tài nguyên môi trường nước dưới đất Tây Nguyên, liên đoàn Điều tra quy hoạch nước 704 cho biết, nước ngầm Tây Nguyên bị tụt giảm vào mùa khô, vào mùa mưa nó lại hồi phục trở lại nhờ sự bổ cập nước. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hồi phục tự nhiên. Còn về tổng thể, mực nước ngầm Tây Nguyên hiện nay đã giảm 1,4 – 1,5m so với những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt, những vùng trồng nhiều càphê, do phải bơm hút nước quá lớn vào mùa khô như ở Buôn Ma Thuột, Krông Buk, Krông Pách, Krông Ana, Cư M’gar (Dăk Lăk), mực nước ngầm giảm từ 4 – 5 m so với những năm đầu thập niên 80.

Đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?

Nguyên nhân chính là do chặt phá rừng hiện nay quá nhiều khiến tầng chứa nước bị kém đi, rồi việc khai thác nước ngầm bừa bãi cũng làm tầng nước ngầm bị suy giảm mạnh. Một yếu tố khác hiện vẫn chưa được chứng minh là biến đổi khí hậu cũng có thể làm mực nước ngầm hiện nay bị suy giảm, nhưng ảnh hưởng cụ thể như thế nào, thì chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu.

Việc này ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và đời sống người dân?

Tình trạng nước ngầm suy giảm mạnh đã gây ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp, đặc biệt với càphê, cao su. Bên cạnh đó, ảnh hưởng trong thuỷ điện, khi mực nước ngầm giảm, thì nước về các hồ thuỷ điện cũng giảm. Hiện nay, tình trạng “khát nước” ở nhiều hồ thuỷ điện ở Tây Nguyên đã thể hiện quá rõ. Nếu cứ tiếp tục khai thác nước ngầm bừa bãi như hiện nay, mức suy giảm mực nước ngầm sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa. Khi đó, chúng ta sẽ không có nguồn nước cho sản xuất và thuỷ điện.

Hướng giải quyết là gì?

Một mặt cần quản lý chặt chẽ việc bảo vệ rừng, đồng thời tăng diện tích phủ rừng cho Tây Nguyên. Thứ hai là, quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm ở các địa phương, phải có những vùng không được phép khai thác nước ngầm nữa. Đây là những biện pháp cơ bản nhất. Bây giờ rất cần sự quản lý giám sát, quy hoạch việc khai thác nước ngầm chặt chẽ khi mà việc quản lý giám sát vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Nhưng trồng càphê là nghề chính của đa số người dân địa phương, vào mùa khô, họ phải sử dụng nước ngầm cho tưới tiêu?

Tất nhiên vẫn phải dùng nước cho tưới tiêu càphê, cây trồng. Vấn đề phải có sự quản lý của Nhà nước trong việc khai thác nước ngầm theo hệ thống và chế độ, không thể khai thác bừa bãi như hiện nay. Ví dụ bản thân khu vực này có tầng chứa nước đã nghèo, thì anh phải lấy nước ở tầng chứa nước khác, tức là anh phải khai thác nước ngầm hợp lý. Phải có sự hướng dẫn, quy hoạch của Nhà nước trong việc này, chứ không thể thả nổi nó được. Việc cấp nước cũng phải có hệ thống và hướng dẫn người dân sử dụng.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)