Nước ngầm Hà Nội: Khai thác hướng nào ?

vv47Tiềm năng sử dụng nước ngầm của Hà Nội rất phong phú, chi phí khai thác nước ngầm thấp, chất lượng, độ an toàn lại cao hơn khai thác nước mặt. Do đó, nên tận dụng khai thác nguồn nước này, làm phong phú thêm nguồn cấp nước.

Chất lượng tốt và tiềm năng phong phú

So với các đô thị trong vùng đồng bằng Bắc Bộ như Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên thì TP.Hà Nội vẫn là một trong những thành phố khai thác, sử dụng 100% nước dưới đất phục vụ cho các nhu cầu phát triển của thành phố (ngoại trừ từ tháng 4/2009, thành phố có thêm Nhà máy Nước mặt sông Đà đưa vào sử dụng). Song theo các số liệu đã công bố, trữ lượng nước ngầm Hà Nội hiện nay khoảng 700.000 m3/ngày đêm (ngđ) và hiện đang dần cạn kiệt.

Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Văn Túc – Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường, hiện nay, trữ lượng khai thác nước ngầm của Hà Nội không phải chỉ có 700.000m3/ngđ và nói rằng khai thác hầu như đã cạn là chưa chính xác. Hiện tại, mực nước ngầm ở những vùng nằm sâu trong nội thành (Hạ Đình, Mai Dịch) đã bị hạ thấp sâu, không phải do nguồn nước ngầm của Hà Nội đã bị khai thác cạn kiệt, mà do thiết kế vị trí và khai thác của các nhà máy nước chưa hợp lý, không phù hợp với điều kiện địa chất thủy văn tại chỗ.

PGS.TS. Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam tiết lộ: “Hà Nội đang nằm trên một bể nước ngầm khổng lồ rộng vài nghìn km2, trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm của Hà Nội đạt khoảng 8,3 triệu m3/ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu cấp nước của TP. Hà Nội đến những năm 2030 – 2050. Còn con số 700.000 m3/ngđ là trữ lượng khai thác nước ngầm được thăm dò và đánh giá đến thời điểm phê duyệt trữ lượng vào tháng 8/1993 của riêng phần nội thành cũ và ngoại vi thuộc bờ phải sông Hồng, chứ không phải là của toàn vùng Hà Nội”.

Đa số các nhà địa chất thủy văn đều cho rằng, tài nguyên nước dưới đất khu vực Hà Nội rất phong phú nhưng không đồng đều. Ở vùng đồng bằng nhất là ven sông Hồng và sông Đuống rất giàu nhưng vùng phía Bắc (huyện Sóc Sơn) và vùng phía Tây (huyện Ba Vì) thì lại nghèo. Song về cơ bản, TS. Nguyễn Văn Đản, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường nước cho rằng, chất lượng nước ngầm Hà Nội rất tốt, trữ lượng phong phú, nguồn bổ cập thường xuyên, ổn định (là sông Hồng) và có điều kiện khai thác dễ dàng, thuận tiện và kinh tế như ở Hà Nội. Nếu biết khai thác hợp lý sẽ đủ để cung cấp và phục vụ cho nhu cầu dùng nước trong tương lai.

 

Khai thác hướng nào hợp lý

Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, với tiềm năng nguồn nước dưới đất phong phú như hiện nay, Hà Nội nên tập trung đầu tư và khai thác nguồn nước ngầm để thỏa mãn mọi nhu cầu cấp nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong vòng 5 năm (2012 – 2016) tới đây, Hà Nội chỉ nên cải tạo, mở rộng và xây mới một số nhà máy nước ngầm, đồng thời tăng cường xây dựng mạng lưới đường ống phân phối để sử dụng hết lượng nước dư thừa hiện nay của Nhà máy Nước sông Đà và khai thác toàn hệ thống một cách hợp lý. Theo PGS.TS. Đoàn Văn Cánh, Hà Nội chưa cần xây thêm Nhà máy nước mặt mà vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho toàn thành phố.

Lý giải về việc không nên tiếp tục đầu tư thêm các Nhà máy nước mặt, TS. Nguyễn Văn Túc cho rằng, việc xây dựng các Nhà máy nước mặt từ nguồn nước sông Hồng và sông Đuống sẽ không hợp lý cả về kỹ thuật (độ đảm bảo an toàn chất lượng nguồn nước sông Hồng và vị trí xây dựng nhà máy) và kinh tế (độ hoàn vốn đầu tư). Bởi độ an toàn về chất lượng nước sông Hồng (sông Đuống) trong những thập niên tới không có cơ sở để đảm bảo chắc chắn (vì sông Hồng chảy qua lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 556km, chiếm gần một nửa trên tổng số chiều dài sông Hồng khoảng 1.160km bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam – Trung Quốc – địa phương đang đô thị hóa, rất nhiều rác thải công nghiệp).

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đang tiến hành cải tạo và mở rộng nâng công suất các nhà máy nước (NMN) sử dụng nguồn nước ngầm như nâng công suất NMN Nam Dư và Gia Lâm từ 30 nghìn m3/ngđ lên 60 nghìn m3/ngđ, NMN Mai Dịch được khoan bổ sung từ bãi giếng Thượng Cát hoặc xây dựng thêm một số NMN như Yên Viên, Giáp Bát, Kim Giang… Theo các chuyên gia địa chất thủy văn, đây là hướng đầu tư hoàn toàn hợp lý.

Để khai thác nguồn nước ngầm có hiệu quả, TS. Nguyễn Văn Đản đề xuất, nên thay đổi mạng lưới khai thác. Đối với các vùng xa sông Hồng không nên khai thác nhiều mà chỉ nên khai thác nhỏ, vì những vùng này không có nguồn bổ cập cho nước ngầm. Riêng những vùng dễ bị suy thoái và nhiễm bẩn, cần dịch chuyển công trình khai thác đến vị trị khác. Các nghiên cứu về địa chất thủy văn cho thấy, vùng ven sông Hồng và sông Đuống là nơi khai thác được nguồn nước rất giàu và tốt về chất lượng, vì thế chỉ nên bố trí ít giếng khai thác để bảo vệ chất lượng nước.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sử dụng hết công suất 300.000 m3/ngđ của NMN sông Đà đã xây dựng để tiết kiệm kinh phí và phục vụ nhu cầu dùng nước sạch trong nhân dân trong khi chờ có những nghiên cứu cụ thể, chính xác về trữ lượng nước ngầm của thành phố.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)