Nước, một thách thức đối với châu Á

 tt597(TN&MT) Hiện nay, một tỷ con người không có nước ngọt dùng trong sinh hoạt. Mỗi năm 1,6 triệu dân trên thế giới chết do thiếu nước sạch. Diện tích các vùng đất ngập nước trên thế giới, chẳng hạn như những vùng đầm lầy, đã bị thu hẹp lại tới một mức độ đáng quan ngại: trong một thế kỷ qua, diện tích vùng ngập nước trên hành tinh đã bị giảm đi 67%. Tại Pháp, chỉ trong vòng từ 20 đến 30 năm trở lại đây, 50% diện tích đất ngập nước bị khô cạn. Trong thế kỷ XX, dân số trên địa cầu đã tăng lên gấp ba. Cùng thời kỳ, nhu cầu về nước ngọt của nhân loại tăng lên gấp sáu lần so với thế kỷ XIX. Trung bình mỗi ngày, một người dân ở Bắc Mỹ, chủ yếu là Canada và Mỹ dùng từ 600 đến 800 lít nước. Trong khi đó, nhu cầu này tại các quốc gia đang phát triển dao động từ 60 đến 150 lít/ ngày. 

Dân số trên địa cầu ước tính lên tới 9 tỷ người vào khoảng năm 2050. Nhu cầu về lương thực qua đó tăng theo. Để nuôi sống 9 tỷ nhân loại, ngành nông nghiệp trên thế giới phải sản xuất thêm, kéo nhu cầu về nước đi lên. Chúng ta biết rằng, để sản xuất ra một lít sữa, nông gia phải cần tới hơn 1.000 lít nước và để có được một ký thịt bò thì người ta cần có tới từ 12.000 đến 15.000 lít nước.

Cùng lúc, để gia tăng năng suất, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học. Mức độ ô nhiễm nước sẽ càng gia tăng. Vấn đề lọc nước bẩn, sát trùng các nguồn nước bị ô nhiễm và quản lý các nguồn nước sạch trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Tại các nước đang phát triển, như Trung Quốc hay Ấn Độ, trung bình một tháng, các thành phố lớn phải đón nhận thêm khoảng 5 triệu người đến định cư. Trong thập niên sắp tới, 95% những người từ nông thôn lên thành thị sinh sống thuộc về các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Theo cơ quan đặc trách về vấn đề nước trực thuộc Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế cần khoản tiền 20 tỷ USD hàng năm để giải quyết vấn đề nước cho các các thành phố lớn đang phải liên tục mở rộng vành đai để đón nhận thêm dân cư.

Châu Á chiếm đến 6 trong số 10 thành phố lớn nhất thế giới, mà hầu hết đều vấp phải vấn đề nghiêm trọng vừa nêu. Dự báo, đến năm 2025, sẽ có đến 60 % dân số tại châu lục này sống ở thành phố.

Với hơn 1,5 tỷ dân, tương đương với 1/4 dân số trên địa cầu, Trung Quốc chỉ làm chủ 9% khoản nước ngọt của thế giới. Trong lúc đó, 41% các con sông lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm tới mức báo động và tại cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới này, một thành phố trên hai trong tình trạng bị thiếu nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc trong một bản báo cáo công bố vào năm 2005 nhìn nhận là Trung Quốc chưa sử dụng nước một cách tối ưu. Cụ thể là phải dùng đến 385 mét khối nước để sản xuất ra 1.000 USD GDP. Với cùng khối lượng nước này, trung bình trên thế giới có thể sản xuất được tới 4.000 USD của cải.

Ngành nông nghiệp của Trung Quốc là một nguồn hút nước đáng quan ngại (70% khối lượng nước hàng năm), chủ yếu do hệ thống dẫn nước vào đồng ruộng đã lỗi thời và theo thẩm định của Ngân hàng Thế giới, 60% nước dùng cho việc canh tác bị thất thoát. Tỷ lệ này trung bình chỉ ở vào khoảng từ 20 đến 30% tại một quốc gia phát triển. Trong số 115 nguồn nước ngầm, đã có đến 35% bị ô nhiễm. Bên cạnh đó hệ thống lọc nước của Trung Quốc bị coi là đã lỗi thời, có khi đã đã được xây dựng từ cả trăm năm nay, không còn khả năng cung cấp một khối lượng nước ngày càng lớn cho các thành phố. Mỗi tháng đều xảy ra các vụ ô nhiễm nước, khi các nhà máy thường xuyên đổ ra sông chất hóa học độc hại.

Do khan hiếm và không được chia sẻ đồng đều phải chăng nước ngọt đang trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột và chiến tranh? Về điểm này nhà địa chất Ghislain de Marsilly, Giáo sư Đại học Pierre và Marie Curie tại Paris nhận xét: “Cả vùng Trung Đông khô cằn và bị thiếu nước cho nên để cung cấp đầy đủ lương thực cho khu vực này là cả một vấn đề. Tại đây, đương nhiên là có những vụ tranh chấp để làm chủ các nguồn nước ngọt. Nhưng tôi không tin rằng sẽ có những cuộc chiến tranh để tranh giành nguồn nước. Đơn cử thí dụ của Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia Nam Á này vốn thù nghịch với nhau từ lâu đời. Những căng thẳng về chính trị, về đất đai không thiếu. Cả hai cùng trang bị vũ khí nguyên tử để đề phòng trong trường hợp bị đối phương tấn công. Tuy nhiên hàng năm Ấn Độ và Pakistan cùng thảo luận chung về chính sách quản lý nguồn nước của con sông Indus, tức là sông Ấn Độ. Đành rằng trong trường hợp người dân bị dồn vào chân tường, khi họ quá khốn khổ vì thiếu nước thì các cuộc nổi dậy sẽ bùng phát. Nhưng theo tôi, đó sẽ là những cuộc nội chiến”.

Nhưng có lẽ, mối lo ngại chung của các nền kinh tế đang phát triển không chỉ liên quan đến nhu cầu cung cấp nước sạch, mà ưu tiên còn phải được đặt vào chính sách tái xử lý nước bẩn. Hiện tại, tại những quốc gia này, 80% nước thải không được tẩy trùng và làm sạch.  

 

 

(Theo Monre.gov.vn)