Ninh Bình tăng cường bảo vệ môi trường sông Nhuệ, sông Đáy

Ngày 9/10, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã kiểm tra tình hình triển khai thực hiện đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn 2008 – 2012 và kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2013 – 2015 và 2016 – 2020 tại tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến đề nghị địa phương cần tăng cường các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước để tránh những ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của người dân. Tỉnh cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích thu gom, xử lý chất thải. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xử lý chất thải đúng như cam kết; xây dựng quy chế bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm dân cư và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú ý quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên các lưu vực sông theo hướng bền vững, phân vùng lưu vực sông để đảm bảo cân bằng giữa sử dụng nước và bảo tồn các hệ sinh thái, đầu tư xây dựng bãi rác tập trung tại địa bàn dân cư, tránh tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định; đẩy nhanh tiến độ xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải làng nghề nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Sông Đáy và sông Hoàng Long là nơi cung cấp nguồn nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, vận tải thủy và dân sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình: Hiện tại tổng lượng nước thải từ dân cư và các khu công nghiệp Khánh Phú (huyện Yên Khánh), Gián Khẩu (huyện Gia Viễn) và Tam Điệp (thị xã Tam Điệp) vào khoảng 83.090 m3/ngày đêm là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm tại một số điểm trên phạm vi lưu vực sông Đáy.
Thời gian tới, Ninh Bình xây dựng quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, bãi chôn lấp chất thải nguy hại, xử lý nước thải từ cộng đồng dân cư vào hệ thống tập trung, kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút nguồn lực từ ngân sách nhà nước và vốn hỗ trợ phát triển ODA cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh mương bị ô nhiễm như Sông Vân, Hồ Biển Bạch trên địa bàn thành phố, hình thành quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện trong các cơ sở sản xuất kết hợp bảo vệ hệ sinh thái Tràng An, khu đất ngập nước Vân Long, rừng quốc gia Cúc Phương, rừng ngập mặn tại khu bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.

 
 
(Theo Monre.gov.vn)