Ngày Nước thế giới 22-3-2011 có chủ đề “Nước cho phát triển đô thị” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về những thách thức của tài nguyên nước trong phát triển bền vững các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Ở Tây Nguyên hiện có 2/4 thành phố (TP. Kon Tum và TP. Buôn Ma Thuột); 3/5 thị xã cùng nhiều thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung nằm ở ven các sông chính của khu vực như sông Sê San, sông Ba, sông Sêrêpôk và các phụ lưu lớn của thượng nguồn sông Đồng Nai. Do đó, nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân Tây Nguyên nói chung, người dân ở các đô thị của Tây Nguyên nói riêng phụ thuộc rất lớn vào lượng nước và chất lượng nước của các dòng sông, con suối này. Thực tế nhiều năm qua, tài nguyên nước đã trở thành lợi thế của Tây Nguyên để khu vực này đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, dù là khu vực được đánh giá có lượng nước dồi dào, chất lượng nước tốt nhưng nguồn nước của Tây Nguyên cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm do tác động của nhiều yếu tố.
Biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật phân phối dòng chảy
Tác động tiểm ẩn của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước trước tiên là ở sự phân phối dòng chảy năm của các sông suối ở Tây Nguyên. Trong vòng 10 – 15 năm trở lại đây, các ghi nhận cho thấy tổng lượng nước mà các con sông chuyên chở ra khỏi Tây Nguyên không thay đổi nhiều nhưng dòng chảy mùa và dòng chảy năm lại có những thay đổi đáng kể. Khoảng cách chênh lệch về lượng dòng chảy giữa mùa lũ và mùa cạn; giữa tháng có lũ và tháng không có lũ có xu thế tăng dần. Do đó mà tình trạng lũ lụt do quá dư thừa nước; hạn hán nghiêm trọng do thiếu nước xuất hiện ngày càng nhiều và khốc liệt hơn.
Khai thác khoáng sản làm ô nhiễm nguồn nước
Khoáng sản thường được phát hiện ở những khu vực gần thượng nguồn của các dòng sông. Do đó, hoạt động khai khoáng có thể đe dọa đáng kể đến sông suối và nguồn nước theo nhiều cách khác nhau. Ô nhiễm kim loại nặng xuất hiện khi một số kim loại (như asen, coban, đồng, chì và bạc) từ các quặng được khai thác hoặc từ các hầm mỏ thoát ra và hòa tan trong nước. Quá trình ô nhiễm xuất hiện khi các chất hóa học như xyanua được sử dụng để tách các khoáng chất cần thiết ra khỏi quặng bị rò rỉ hoặc ngấm từ các khu mỏ ra các nguồn nước gần đó. Thậm chí, để tiết kiệm chi phí, các công ty khai thác khoáng sản có thể còn chủ tâm đổ thải vào các thủy vực.
Hiện tượng ô nhiễm và lắng đọng trầm tích ở các sông do khai thác khoáng sản còn có thể đe dọa đến đa dạng sinh học trong các lưu vực, đe dọa đến sức khỏe của người dân gần đó, và xa hơn nữa là làm ảnh hưởng đến các cộng đồng sống phụ thuộc vào nguồn nước. Các chất thải có thể làm nhiễm bẩn các nguồn nước dự trữ khác như các túi nước ngầm, hồ, ao.
Phá rừng ảnh hưởng đến nguồn nước
Rừng góp phần giữ ổn định nguồn cấp nước, giảm thiểu nguy cơ hạn hán cũng như lũ lụt; giúp cân bằng dòng chảy cố định cho các hệ sinh thái và các trung tâm đô thị. Nạn chặt phá rừng làm biến đổi mạnh nguồn nước theo chiều hướng gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, cạn kiệt trong mùa khô. Năm 2009, Tây Nguyên chứng kiến trận lũ lịch sử trên sông Sê San. Một phần của TP. Kon Tum nằm bên dòng Dak Bla (một nhánh sông của hệ thống sông Sê San) bỗng chốc tan hoang bởi dòng nước lũ. Năm 2011, khi mùa khô mới chớm vào thời kỳ cao điểm thì cũng tại nơi này đã có hàng trăm hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Mất rừng, đất không có sự che chở của cây đã bị bào mòn, rửa trôi mạnh nên hàm lượng các chất rắn chuyển vào trong nước gia tăng mạnh. Ở Tây Nguyên, mỗi năm nước mưa đưa xuống dòng chảy sông suối 167 triệu tấn đất, trong đó có tới 3,32 triệu tấn hữu cơ và 0,2 triệu tấn đạm cùng hàng trăm ngàn tấn lân và kali – đây cũng là nguồn các chất gây ô nhiễm cho nước mặt và nước ngầm. Đất bị mất sự che chắn của cây rừng còn làm cho mức độ thấm ngấm và khả năng giữ nước giảm mạnh đồng thời tăng lượng bốc hơi bề mặt nên lượng nước ngầm tầng nông bị suy thoái và biến động khá lớn giữa các mùa trong năm, mà trong đó sự tụt giảm nhanh trong mùa khô có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Con người tự đánh mất nguồn tài nguyên nước của mình
Bàn tay con người gây thay đổi rõ nhất là trong xây dựng các công trình thủy điện. Các công trình thủy điện thiếu quy hoạch, thậm chí “bùng nổ” thủy điện nhỏ trên đầu nguồn các lưu vực sông đã tàn phá mặt đệm, lớp phủ rừng; khi đi vào vận hành lại không bảo đảm quy trình vận hành hồ, liên hồ hợp lý, không bảo đảm cắt giảm lũ, không duy trì hợp lý dòng chảy sinh thái ở hạ du các hồ chứa; khai thác, sử dụng nước thì chủ yếu theo yêu cầu phát điện với chế độ làm việc theo giờ cao điểm, ngừng phát điện trong giờ thấp điểm dùng điện đã làm cho chế độ, số lượng nước ở hạ lưu công trình có những thay đổi căn bản so với trong tự nhiên theo chiều hướng rất bất lợi, làm phát sinh nhiều vấn đề về tài nguyên nước và môi trường mà vốn chưa bao giờ thấy trong thời kỳ trước khi có công trình.
Ở Tây Nguyên, quá trình đô thị hóa đang phát triển khá nhanh đã khiến một lượng lớn dân cư tập trung về các đô thị học tập, làm việc và sinh sống. Các khu công nghiệp, thương mại, giao thông phát triển mở rộng; các khu dân cư, chợ, bệnh viện, trường học mới mọc lên kéo theo sự gia tăng chất thải dễ gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước. Ở khu vực nông thôn, các loại phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… mặc dù độ hòa tan thấp nhưng các thuốc sâu clorua hữu cơ là độc hại và chỉ cần vài phần tỷ cũng đã trở thành độc hại cho người và sinh vật sống trong nước.
Điểm qua những tác nhân chính đã thấy tài nguyên nước của Tây Nguyên đang đứng trước những nguy cơ suy thoái khá rõ ràng. Nguồn nước cung cấp cho các đô thị của Tây Nguyên nói riêng, các đô thị và cộng đồng dân cư khác hưởng chung nguồn nước từ Tây Nguyên nói chung sẽ không còn đủ, không còn sạch nếu không có nhận thức đầy đủ về những thách thức tiềm tàng đã và đang tác động không tốt tới nguồn nước, cũng như không có những giải pháp hoá giải hiệu quả những thách thức đó.
Trước hết, cần có các biện pháp, chế tài, và các phương pháp tối ưu áp dụng cho từng đối tượng để hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Đối với nhân dân (các hộ gia đình, cụm dân cư, khu tập thể) cần có các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ giúp nhân dân xây dựng hệ thống thu gom, tách, xử lý nước thải trong sinh hoạt và chăn nuôi; phân loại, chôn lấp rác thải, không xả nước, rác thải trực tiếp và nguồn nước. Trong sản xuất cần khuyến khích, hướng dẫn nhân dân chọn các giống cây trồng có tính kháng bệnh cao; bảo vệ mùa màng bằng biện pháp sinh học; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp chăm bón theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; chế biến chất thải thành các sản phẩm vi sinh,… Đối với công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành sản xuất công nghiệp, chế biến cần thực thi nghiêm túc luật bảo vệ môi trường bằng việc kiểm soát chặt chẽ quá trình quy hoạch phát triển đô thị, các khu công nghiệp, các nhà máy để kịp thời phát hiện tác nhân và nguy cơ gây ô nhiễm. Đánh giá khả năng phát tán và có biện pháp hữu hiệu để từng bước cải thiện môi trường nhất là vấn đề cấp thoát nước, vấn đề xử lý các chất thải. Yêu cầu các nhà máy phải xử lý nước, rác thải trước khi thải ra môi trường. Điều chuyển các nhà máy, bệnh viện có khả năng gây ô nhiễm ra nơi ngoại thành, xa khu dân cư và xa nơi đầu nguồn nước. Thay đổi công nghệ sản xuất sạch, dùng nước khép kín, giảm lượng khí thải; nhất thiết phải kiểm tra chất lượng nước, khí thải trước khi thải ra môi trường.
Cải tiến các phương pháp quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tổ chức điều tra, khảo sát tính toán hiện trạng nguồn nước; những nhân tố tác động đến sự biến động nguồn nước theo không gian, thời gian; nhu cầu nước hiện tại và dự báo nhu cầu dùng nước trong tương lai. Có biện pháp phục hồi, sửa chữa, nâng cấp những hệ sinh thái nước, chống thoái hóa, xuống cấp nguồn nước. Thường xuyên đo đạc chất lượng nước trên các sông suối, các hồ chứa (kể cả hồ nhân tạo và hồ tự nhiên) và có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của nó tới sự biến động của tài nguyên nước mặt và nước ngầm, đến môi trường, qua đó đánh giá xác thực mức độ tác động, sự nhiễm bẩn môi trường nước trên từng khu vực, từng vùng, các ảnh hưởng tới vệ sinh, sức khỏe con người, năng suất cây trồng cũng như các hoạt động kinh tế khác. Khuyến cáo nhân dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn họ sử dụng các loại phân bón sinh học, các loại thuốc trừ sâu sinh học tạo ra những thiên địch diệt trừ sâu hại cây trồng. Tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Có các biện pháp chấm dứt tình trạng đào bới khai thác sa khoáng bừa bãi. Các gia đình phải có hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt. Các hố xí phải xây đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp vệ sinh, dùng các chế phẩm sinh học để khử các mùi hôi thối và độc hại. Đầu tư cho công tác thăm dò, quy hoạch xây dựng hệ thống khai thác nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt theo hướng công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh khi đến tay người sử dụng; hạn chế dần tình trạng khai thác nước ngầm tự phát,…
(Theo Báo Đak Lak )