Những con sông thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ô nhiễm nặng

Các con sông thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Sài Gòn, sông Bé, Đồng Nai, La Ngà… – nơi sinh sống của cả chục triệu người – đang bị ô nhiễm nặng nề.
“Sức ép ô nhiễm lên môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai ngày càng lớn do các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thùy, phó giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), tại hội thảo “Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai”, tổ chức ở Bình Dương ngày 30-11.
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm các sông chính như: sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai, sông La Ngà… Tính đến nay, 12 tỉnh thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai có 103 khu công nghiệp, khu chế xuất, đó là chưa kể các khu, cụm công nghiệp với diện tích gần 34.000ha.
 
Sức ép
Hiện chỉ số N-NH4 (lượng amoniac) trong nguồn nước ở tất cả cửa sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai đều vượt chỉ tiêu quốc gia (QCVN) về chất lượng nước loại A1, trong đó chỉ số COD nhiều nơi có xu hướng tăng mạnh ở các khu vực như phà Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, sông Soài Rạp… Các dòng sông còn oằn mình gánh những nhà máy thủy điện, gây ảnh hưởng lớn đến vùng hạ lưu, lưu vực sông Đồng Nai.
Theo Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), lưu lượng nước thải công nghiệp tống ra lưu vực sông Đồng Nai là gần 2 triệu m3/ngày đêm. Đó là chưa kể hơn 2,7 triệu m3 nước thải sinh hoạt đổ ra, trong đó nước thải của hàng loạt khu đô thị không hề được xử lý, xả thẳng ra sông suối.
Điều này cho thấy tổng lượng nước thải ô nhiễm xả thẳng ra các dòng sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức báo động. Báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh Bình Dương cho thấy chỉ có 20% cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra còn có trên 38% khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra các dòng sông vượt quy chuẩn cho phép.

tt9

Nước sông Cái, một nhánh của sông Đồng Nai, bị ô nhiễm khiến cá nuôi chết hàng loạt (ảnh nhỏ – chụp ngày 25-6-2010)

Ông Nguyễn Văn Thùy phân tích: “Theo điều tra của ENTEC, trên 350 cơ sở xả nước thải trực tiếp ra sông Đồng Nai, trong 34 doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp thì có 16 doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, gây nên ô nhiễm rất lớn”.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ngoài nguồn nước thải công nghiệp, điều mà các nhà chuyên môn, nhà khoa học lo ngại là nguồn nước rác thải y tế. Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2010 cho thấy có tới 35% lượng nước thải y tế tại các bệnh viện tỉnh, huyện chưa được xử lý đổ thẳng vào môi trường. Số còn lại tuy đã xử lý nhưng chất lượng nước cũng chưa đảm bảo, vì các bệnh viện đã xử lý nước thải sai quy trình. Đó là chưa kể các trạm y tế và phòng khám đa khoa không có hệ thống xử lý nước thải.
Theo Tổng cục Môi trường, năm 2010 kết quả quan trắc cho thấy hiện trạng mặt nước sông Sài Gòn về chất N-NH4 có chỉ số luôn vượt ngưỡng tiêu chuẩn QCVN ở mức B1 nhiều lần; còn chỉ số BOD5 (nhóm chỉ tiêu đánh giá về mức độ ô nhiễm chất hữu cơ của bề mặt nước) nhiều khu vực tăng mạnh… Điều đáng nói là N-NH4 ở tất cả cửa sông đều vượt QCVN loại nước A1 như phà Bình Khánh, đập Tam Thôn Hiệp, sông Soài Rạp…
Những người nuôi cá bè trên sông Cái (một con sông trong hệ thống sông Đồng Nai) luôn khốn khổ bởi cá chết hàng loạt do nước sông bị ô nhiễm – Ảnh: Minh Đức
 
Biến dạng
ThS Lê Văn Hợp, người phát ngôn Bộ TN-MT, cho biết đánh giá việc khai thác cát của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cũng đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Khi khai thác cát tràn lan sẽ làm đảo nguồn, tạo dòng chảy, gây xói lở cho bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh cũng như vận tải thủy.
“Tôi khuyến cáo các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở khai thác, kinh doanh cát sỏi. Tốt nhất là các địa phương phải có quy hoạch từng khu vực được phép khai thác và chỉ được khai thác hạn chế mức độ nào đó thôi” – ThS Lê Văn Hợp nói.
Đánh giá tầm quan trọng của sông Đồng Nai đối với đời sống của hơn 17 triệu dân tại các tỉnh thành trong khu vực, TS Nguyễn Văn Ba, phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ – môi trường, nói: “Sông Đồng Nai như là động mạch chủ của các tỉnh miền Đông và các tỉnh thành lân cận. Thế nhưng lưu lượng nước trên dòng sông này ngày càng giảm”.
Tài liệu của Hội Tài nguyên nước Việt Nam cho thấy năm 2005, lưu lượng nước trên sông Đồng Nai chỉ cung cấp được khoảng 2.486m3 nước/người/năm (theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu một người dân chỉ được sử dụng dưới 4.000m3/người/năm là đã thiếu nước sạch trầm trọng), năm 2010 giảm xuống còn trên 2.000m3/người/năm và tới năm 2020 chỉ còn khoảng 1.770m3/người/năm. Tình hình thiếu nước, dù là nước đang bị ô nhiễm, đang ngày càng gay gắt.
 
Đừng để quá muộn
TS Nguyễn Văn Ba cho rằng lần đầu tiên nhóm chỉ tiêu về môi trường đã được Chính phủ xây dựng đưa vào các chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế – xã hội năm năm (2006-2010) và dành 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường. Thế nhưng việc đầu tư kinh phí, nguồn lực cho truyền thông bảo vệ môi trường vẫn chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ đề ra.
Từ thực trạng này, KS Nguyễn Văn Phấn – trưởng phòng truyền thông môi trường Tổng cục Môi trường – cho rằng để bảo vệ tốt môi trường lưu vực các sông, nhất là sông Đồng Nai, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, bệnh viện cần nâng cao công nghệ xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Văn Thùy nhấn mạnh: “Để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai cần mạnh tay xử lý triệt để nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, khu đô thị, nhất là nước thải từ các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản và khai thác cát, sỏi.
Bên cạnh đó, cần sử dụng hợp lý phân bón, hóa chất trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và phải phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và cây xanh đô thị, xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp”.
KS Nguyễn Văn Phấn nói: “Vấn đề quan tâm của lưu vực sông Đồng Nai hiện nay là các chủ doanh nghiệp còn ý thức kém trong việc xử lý nguồn nước thải. Trong hội nghị này chúng tôi mời rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên lưu vực sông Đồng Nai và Sài Gòn đến dự nhưng theo tôi được biết chỉ có sáu doanh nghiệp quan tâm, tham gia hội nghị”.



(Theo TTO)