Nước ngầm tại Hà Nội, nhất là khu vực phía Nam thành phố ô nhiễm asen (còn gọi là thạch tín) được phát hiện từ năm 1996, hiện có xu hướng tăng cao, đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc, vì vậy cần được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức và áp dụng những biện pháp hiệu quả để giảm thiểu sự tác động xấu đến sức khỏe của người dân nơi đây.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Asen là nguyên tố tự nhiên có nhiều ở lưu vực sông Hồng. Sự xâm nhập asen vào nước ngầm chủ yếu là do sự hòa tan của asen sẵn có trong lòng đất. Nó là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể song phải ở một mức độ nhất định. Mức độ cho phép đối với asen trong nước là 10ppb (tương đương 0,01mg/lít), nếu vượt quá ngưỡng này thì sẽ gây nguy hiểm. Qua khảo sát hiện trạng nhiễm asen trong nước ngầm ở khu vực Hà Nội được tiến hành liên tục từ năm 1998 đến nay, kết quả cho thấy 30% điểm giếng khảo sát có mức độ nhiễm asen trên 0,05mg/lít, còn ở mức vượt trên ngưỡng cho phép có tới 50%.
Asen xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống, hô hấp, qua da hoặc truyền từ mẹ sang con. Khi thâm nhập vào cơ thể, asen sẽ tích tụ nhiều trong mô da, móng, tóc và trong các tổ chức giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non. Khi ăn phải nguồn nước nhiễm asen, mức độ tích lũy trong cơ thể sẽ tăng dần theo độ tuổi, đến thời điểm nào đó nó sẽ gây bệnh. Đặc biệt, nếu uống nước có nồng độ asen 300ppb sẽ bị các căn bệnh ung thu nghiêm trọng chỉ sau 3-4 năm.
Muốn giữ lượng asen trong nước sinh hoạt ở mức cho phép, biện pháp trước tiên là phải cải tiến công nghệ lọc nước để xử lý asen ngay tại nguồn cấp nước. Hiện các công nghệ xử lý nước tại những nhà máy sản xuất nước của Hà Nội chủ yếu để xử lý sắt và manggan. Song trong quá trình làm thoáng tự nhiên, khi đưa nước làm mưa tự nhiên kết hợp xử lý hàm lượng sắt và manggan trong nước, tỷ lệ asen trong nước cũng cơ bản được xử lý từ 90-95%.
Một biện pháp quan trọng nữa là xử lý nguồn nước ô nhiễm nặng asen ngay tại hộ gia đình bằng hệ thống lọc cát có giàn phun mưa do Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) thiết kế, hiệu quả xử lý asen lên tới 95,24%, với lượng nước đủ dùng hàng ngày cho gia đình từ 4-6 người, đang được một số gia đình ở tỉnh Hà Nam áp dụng. Hoặc dùng 2 sản phẩm ArsenCHECK và ArsenFREE phục vụ cho phát hiện và loại bỏ asen trong nước, do Công ty TNHH Công nghệ HCTH của Thụy Sĩ tại Việt Nam cung cấp, đã được Trung tâm Y tế dự phòng và Phòng Hóa sinh môi trường thành phố Hà Nội kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sản phẩm. Sau khi dùng sản phẩm ArsenCHECK để kiểm tra, nếu phát hiện trong nước có asen thì dùng sản phẩm lọc nước ArsenFREE để loại bỏ. Loại bình lọc này cho phép loại bỏ asen ngay cả khi nồng độ cao gấp 30 lần tiêu chuẩn cho phép.
(Theo Monre.gov.vn)