Nhiều vi phạm đầu nguồn khu vực sản xuất nước sạch tại Hải Dương

Nhiều điểm hút nước đầu vào để sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh Hải Dương có cống xả thải, bến bãi sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản… là nguyên nhân gây ô nhiễm nước đầu vào để sản xuất nước sạch.

Nước đầu nguồn nhiều nơi ô nhiễm

Hiện nay, trên các tuyến sông lớn của tỉnh Hải Dương như các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đá Vách, sông Luộc…đang có trên 20 cơ sở sản xuất nước sạch cho cơ quan doanh nghiệp và người dân sử dụng. Trong vùng ranh giới bảo hộ, nhiều điểm có hàng loạt các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu vực trồng trọt, chăn nuôi của doanh nghiệp, tổ chức và người dân đã tồn tại từ lâu gây ô nhiễm vùng nước đầu nguồn.

Khu vực vi phạm đáng lo ngại, tồn tại nhiều năm là 2 khu vực hút nước từ sông Thái Bình phục vụ cho 3 nhà máy sản xuất nước sạch (Nhà máy nước Cẩm Thượng, Nhà máy sản xuất nước sạch số 1 và số 5, Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương) thuộc phường Cẩm Thượng và phường Việt Hoà, TP Hải Dương. 3 nhà máy có tổng công suất 125.000 m3/ngày đêm, sản xuất nước phục vụ trên 50% dân số toàn tỉnh.

Theo quy định mới, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước mặt là 1.000 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu so với điểm hút nước. Trong hành lang này có gần chục bãi kinh doanh vật liệu xây dựng được UBND tỉnh cấp phép. Nhiều tàu thuyền neo đậu tùy tiện, đôi khi đỗ sát cửa mương hút nước, xả dầu nhớt xuống sông. Khu vực thượng nguồn, cách gần 300 m, nơi hút nước đầu vào thuộc phường Cẩm Thượng là cống xả nước thải qua đê, từ hàng chục năm nay đã kiến nghị nhiều nhưng chưa xử lý triệt để.

images1983921_Tr_m_c_p_n__c

Cũng vi phạm tương tự, khu vực thượng nguồn, hạ nguồn Nhà máy nước số 2, thị trấn Kinh Môn bị các lò vôi bao phủ. Trên thượng nguồn là hàng chục cơ sở kinh doanh than, quặng thép, quặng kẽm, bột đá và khu sản xuất thép của Tập đoàn Hoà Phát…Trời mưa lớn, nước than, nước quặng chảy xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước đầu vào.

Điểm hút nước đầu vào của Nhà máy nước thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, thuộc sông Kinh Môn, Nhà máy nước sạch Thanh Miện thuộc sông Luộc cũng bị hàng chục điểm kinh doanh than, trồng rau, phun thuốc bảo vệ thực vật đã làm tăng sự ô nhiễm nguồn nước. Ngay sát khu vực hút nước, Nhà máy nước sạch Đồng Lạc, Thị xã Chí Linh, chính quyền đang cho thu hồi đất, làm bãi kinh doanh than và vật liệu xây dựng, nguy cơ ô nhiễm là không thể tránh khỏi.

Trên sông Lai Vu, cả 3 nhà máy sản xuất nước sạch đang có nguy cơ ô nhiễm, khi mà điểm xả thải của Khu công nghiệp Lai Vu, trong đó có Công ty TNHH dệt Pacific Crystal nhiều lần xả thải 5 loại hoá chất vượt giới hạn cho phép… Tăng cường quản lý, bảo vệ khu vực đầu nguồn của cơ sở sản xuất nước sạch là việc làm cấp thiết của các cấp chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Hải Dương.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Ngày 9/9/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT (Thông tư 24), quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, có hiệu lực từ 26/10/2016. Theo đó, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước mặt được mở rất rộng so với quy định trước đây.

Theo thông tư 24, hầu hết các cơ sở sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh có phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt sử dụng nước mặt trên các tuyến sông là 800 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu so với điểm hút nước. Riêng khu vực lấy nước đầu vào từ sông Thái Bình phục vụ sản xuất nước sạch ở TP Hải Dương, vùng bảo vệ tới 1.000 m về phía thượng lưu, 200 m về phía hạ lưu.

Như vậy, về phía thượng lưu đã mở rộng gấp đôi so với quy định trước đây. Việc giải phóng các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh là một việc khó, cần có lộ trình cần được các cấp chính quyền, các ngành chức năng cùng chung tay vào cuộc.

Ông Phạm Minh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, để thực hiện Thông tư số 24, doanh nghiệp chúng tôi phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng quản lý đường thuỷ nội địa và các địa phương sở tại xây dựng phương án, khoanh định và thực hiện việc cắm mốc, đặt biển báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc phạm vi công trình của mình. Đặc biệt là hành lang 3 nhà máy sản xuất nước sạch ở TP Hải Dương có tổng công suất 125.000 m3/ngày đêm, cung cấp cho hơn 50% dân số trong tỉnh. Mỗi khi có nguồn nước ô nhiễm, công ty đã gửi công văn cho cấp huyện, cấp xã, lực lượng Công an cùng phối hợp giải quyết.

Những quy định mới của Thông tư 24 là sự quan tâm của Chính phủ chăm lo cho sức khoẻ, vì cuộc sống lâu dài của mọi người. Việc bảo vệ nguồn nước đầu nguồn không chỉ trong ranh giới hành lang nơi hút nước mà là cả các tuyến sông. Vì thế tỉnh Hải Dương phải nghiêm túc thực hiện.

Khởi động cho việc thực hiện Thông tư 24, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các tổ chức, doanh nghiệp được phép khai thác, sử dụng nước mặt trên địa bàn tỉnh thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước đơn vị đang khai thác. Thành lập lực lượng liên ngành tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực đầu nguồn của các cơ sở sản xuất nước sạch.

Đồng thời, rà soát các công trình nằm trong hành lang được cấp phép hoạt động từ trước, bàn phương án di rời doanh nghiệp trong vùng vi phạm hoặc di dời điểm hút nước trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của tập thể, doanh nghiệp và cá nhân các bên. Việc thực hiện Thông tư 24 cần được UBND tỉnh Hải Dương vào cuộc, quan tâm, chỉ đạo từng địa phương các cấp, các ngành liên quan, các doanh nghiệp, người dân trong vùng bảo vệ nguồn nước có trách nhiệm cùng thực hiện.