Không phủ nhận phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ nếu làm đúng quy hoạch và hợp lý thì mang lại những lợi ích rất lớn. Song việc các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ phát triển nhiều và không theo một trình tự, quy hoạch nào lại đang gây ra những tác dụng ngược.
Sở dĩ, tại một số địa phương, nhiều nhà máy thuỷ điện lâm vào tình trạng xây xong nhưng không hoạt động được là bởi khi chưa có hệ thống thuỷ điện vừa và nhỏ này, người ta tính toán lưới điện chỉ để cung cấp cho nhu cầu của địa phương đó với lượng công suất vừa đủ… Như quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chấp nhận những dự án có công suất 30MW trở lên, còn nhỏ hơn thì không tiếp nhận. Các dự án nói trên thường có công suất nhỏ hơn. Giờ đấu thêm nguồn vào sẽ làm thay đổi dòng điện trên đường dây, gây quá tải và lượng tổn thất điện năng quá lớn. Trước tính cho quy hoạch khác, nhưng giờ có thêm những phát sinh mới do đó đường dây cũ khó có thể đáp ứng được.
Cần phải khẳng định rằng nguồn tài nguyên nước dù lớn hay bé cũng nên được sử dụng, nếu không sử dụng sẽ thật lãng phí trong khi nguồn năng lượng thế giới nói chung và năng lượng điện của Việt Nam nói riêng đang ngày càng khan hiếm, nhu cầu ngày càng cao. Thực trạng trên không chỉ bộc lộ lỗ hổng trong quy hoạch vĩ mô, mà ít nhiều còn cho thấy sự vô cảm trong việc lãng phí tài nguyên.
Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Ở đây, các địa phương đã không tính toán kỹ lưỡng trước khi cho phép xây dựng và công tác quản lý còn bất cập. Đáng lẽ trước khi xây dựng nhà máy, chính quyền địa phương, cơ quan điện lực của địa phương đó phải báo cáo lên Chính phủ, trong đó bao hàm cả những đánh giá toàn diện về tác động đối với môi trường, cùng với đó là khảo xét xem khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ được đấu nối vào điểm nào của lưới điện quốc gia rồi báo với EVN. Cụ thể hơn là, mỗi địa phương khi chủ đầu tư định xây dựng một nhà máy thuỷ điện cần phải liên hệ với ngành điện xem việc xây dựng ở đó có hợp lý hay không. Để tránh tình trạng nhà máy xây xong rồi nhưng lại không biết tiêu thụ điện vào đâu. Vấn đề cốt lõi ở đây là bất cập trong quy hoạch. Các chủ đầu tư cần chủ động trao đổi với điện lực xem nên đầu tư thêm chi phí để xây dựng đường dây thế nào cho hợp lý. Và đặc biệt đầu tư thì ai chịu? Cái đó phải làm rõ.
Đặc điểm của các chủ đầu tư hiện nay là “mạnh ai nấy làm”. Hoặc có quy định cụ thể nhưng thực hiện không nghiêm. Từ đó dẫn đến giữa chủ đầu tư và chính quyền có sự vênh nhau. Để đến khi đã xây dựng xong rồi thì lại ngã ngửa ra là không thể hoạt động vì quá tải đường dây, vì thiếu sự tính toán kỹ lưỡng… Và kết quả là gây lãng phí lớn cho cả Nhà nước và nhà đầu tư.
Nói gì thì nói, sự việc cũng đã xảy ra rồi. Nhiều nhà đầu tư đang kêu cứu, bởi nếu nhà máy không hoạt động nguy cơ phá sản là rất lớn. Vấn đề ở đây là phải giải quyết thực trạng này ra sao?
Việc xây dựng đường dây mới là đương nhiên. Song vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ đầu tư? Bởi xây dựng một đường dây mới cũng cần có một nguồn vốn rất lớn. Do vậy phải giải quyết được hết những khúc mắc về vốn trên mới có thể gỡ được tình trạng bất cập hiện nay. Theo tôi, vấn đề cốt lõi là EVN và phía đối tác xây dựng nhà máy phải tìm được tiếng nói chung? Nếu không thì dứt khoát các cấp cao hơn phải vào cuộc, chẳng hạn Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực… Nếu không giải quyết được nữa thì nhờ sự can thiệp của Chính phủ. Bởi đây là lợi ích chung của toàn xã hội chứ không phải một cá nhân hay tổ chức nào. Do vậy rất cần sự chung tay của các cấp, bộ, ngành…
Chính phủ cũng đã quyết định đầu tư xây dựng đường dây mới, nhưng hiện nay vẫn chưa thấy rục rịch kế hoạch xây dựng và các nhà máy vẫn đang ở tình trạng “treo”?
Nếu Chính phủ đã quyết định đầu tư thì cũng cần phải có kế hoạch cụ thể rằng cơ quan, tổ chức nào sẽ thực hiện công việc đó, tiến độ ra sao, và thời điểm nào là sẽ hoàn thành… Còn chỉ nói là nhất trí không thì rõ ràng ai cũng nhất trí nhưng nếu không có những phân công cụ thể thì sợ rằng sẽ lại rơi vào tình trạng “nói mà không làm”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại Kon Tum, một số công trình thuỷ điện đã bị ngưng hoạt động mà không được những giải thích từ phía ngành điện lực: Công ty cổ phần Tân Phát có Nhà máy thủy điện Đắc Ne với công suất 8MW đang phát điện theo hợp đồng với EVN, gần đây liên tục bị yêu cầu giảm công suất luân phiên; Cty thủy điện Đắk Psi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tại Gia Lai, công trình thuỷ điện Đắc Đoa với công suất 14MW hiện cũng đang thắc thỏm mối lo không được phát điện, khi mà công trình đã vào giai đoạn nước rút, hoàn thiện để cuối quý I/2011 sẵn sàng phát điện… |