Nhiều giải pháp được triển khai để giảm khai thác nước dưới đất ở Tp. Hồ Chí Minh

Năm 2021, TP.HCM tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giảm dần khối lượng nước khai thác dưới đất trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  TP.HCM không cấp phép mới cho các đối tượng đề nghị cấp phép khai thác nước dưới đất.

Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện và phòng TN&MT các quận, huyện và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, các công ty kinh doanh nước sạch trên địa bàn thành phố đề ra nhiệm vụ và thực hiện các giải pháp nhằm giảm lượng khai thác nước dưới đất. Theo đó, đối với doanh nghiệp đề nghị cấp mới giấy phép hoặc đã có giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT cấp giấy phép như công trình khai thác nước dưới đất từ 3.000 m3/ngày trở lên, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ TN&MT không cấp giấy phép mới và giảm lưu lượng khai thác đối với công trình đã cấp giấy phép.

Đối với công trình khai thác thuộc thẩm quyền của Thành phố, Sở TN&MT TP.HCM không cấp phép mới cho mọi đối tượng đề nghị cấp phép, không cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép. Đồng thời, Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp đang có giấy phép khai thác còn hiệu lực phải lập kế hoạch giảm khai thác theo lộ trình quy định của UBND TP.HCM tại Quyết định số 1242/QĐ-UBND. Sở TN&MT chỉ gia hạn với thời hạn 1-2 năm đối với các doanh nghiệp đề nghị cấp phép mà khu vực hoạt động chưa có mạng cấp nước thành phố hoặc mạng cấp nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc xác định này được thực hiện trong quá trình kiểm tra hiện trường có sự phối hợp và xác nhận của các công ty cấp nước và phòng TN&MT địa phương có công trình khai thác nước dưới đất.

Công nhân Công ty cấp nước của thành phố trám lấp giếng khoan cho người dân

Cũng theo ông Trần Văn Thạch, đối với các công trình khai thác nước dưới đất của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp, giám sát đảm bảo tuân thủ lộ trình khai thác theo Quyết định số 1242/QĐ-UBND; đồng thời, thực hiện chuyển các công trình khai thác sang dự phòng phục vụ mục đích cấp nước an toàn của thành phố. Đối với các doanh nghiệp không có giấy phép khai thác, Sở TN&MT phối hợp với phòng TN&MT các quận, huyện và các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh nước sạch kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm và thực hiện cung cấp đủ nhu cầu sử dụng nước của doanh nghiệp.

Đối với các công trình khai thác nước trong hộ dân, Sở TN&MT TP.HCM sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận – huyện, các đơn vị cấp nước sạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân tác hại của sử dụng nguồn nước dưới đất không đạt quy chuẩn, lợi ích sử dụng nước sạch. Sở TN&MT cũng sẽ phối hợp kiểm soát chất lượng nguồn nước sử dụng của người dân; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng, giếng khoan hư hỏng để người dân có thể tự thực hiện; xây dựng chính sách hỗ trợ trám lấp giếng, khuyến khích người dân lắp đặt đồng hồ, sử dụng nước sạch. Đối với các doanh nghiệp hành nghề khoan giếng nước dưới đất, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với phòng TN&MT các quận, huyện kiểm tra tình hình thực hiện các nghĩa vụ quy định trong giấy phép, chế độ báo cáo định kỳ, xử lý nghiêm các trường hợp thi công không được cấp phép.

Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, năm 2020, thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố, TP.HCM đã giảm 113.500 m3/ngày so với kế hoạch là 110.000 m3/ngày, đạt tỷ lệ 103,16%. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất của các hộ gia đình ước giảm 68.842 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất trong khu chế xuất – khu công nghiệp giảm 3.289m3/ngày, bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp không phải hộ gia đình giảm 21.369 m3/ngày, của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giảm 20.000 m3/ngày.