Nhân Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường: Đắk Lắk xây dựng công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Đắk Lăk đã đầu tư xây dựng 71 công trình cấp nước tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc ở vùng nông thôn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk đầu tư nâng cấp và xây dựng mới thêm 189 công trình cấp nước tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần đưa 85% dân cư vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 100% dân số vùng nông thôn đều sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.        
            Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2000 trở lại đây, bình quân mỗi năm, tỉnh Đắk Lắk đầu tư trên 30 tỉ đồng cho Chương trình Quốc gia Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường, trong đó, phần lớn nguồn vốn là đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung. Mỗi công trình cấp nước tập trung có công suất thiết kế phục vụ 120 hộ đến 3.800 hộ đồng bào các dân tộc. Như vậy, cùng với hàng chục ngàn công trình cấp nước nhỏ lẻ khác được Nhà nước đầu tư xây dựng đã góp phần đưa 71% dân số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều vùng chấm dứt tình trạng sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Mới đây, tỉnh Đắk Lắk đã khánh thành, đưa vào hoạt động công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã vùng sâu biên giới Ya T’Mốt (huyện Ea Súp). Công trình có tổng vốn đầu tư trên 6,6 tỷ đồng, với công suất thiết kế cấp nước ổn định cho 600 hộ đồng bào của các thôn 9, 10, 11, 12, 13 và thôn 14, chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt triền miên như các năm trước đây.         
            Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh, ngoài 11 công trình cấp nước tập trung do Trung tâm quản lý hoạt động tốt, có hiệu quả, còn lại phần lớn các công trình chuyển giao, phân cấp về địa phương quản lý, khai thác đều kém hiệu quả, thậm chí, có nhiều công trình phải ngưng hoạt động. Hiện nay, qua kiểm tra, hàng loạt công trình cấp nước tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Krông Năng đã ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Công trình cấp nước tập trung ở xã vùng sâu Ea Rốk (Ea Súp) có tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng do huyện Ea Súp làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2008, đến cuối năm 2009 hoàn thành. Nhưng sau khi khánh thành, công trình “đắp chiếu”, hàng trăm hộ dân vẫn không có nước sạch sử dụng. Cũng theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh nguyên nhân là do các địa phương tiến hành khảo sát, thiết kế, thi công, đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ quản lý, vận hành…Mặt khác, nhận thức của đồng bào các dân tộc về nước sạch và vệ sinh môi trường còn hạn chế, thiếu vốn duy tu, bảo dưỡng, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên càng làm cho các công trình cấp nước tập trung mau chóng xuống cấp, hư hỏng, kém hiệu quả.    
(Theo Monrre.gov.vn)