Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hưng Yên, từ năm 1999 đến năm 2011, trung tâm đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung ở 16 xã và thị trấn trong tỉnh, với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Các công trình cấp nước tập trung trên đang cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng hơn 41 nghìn dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở nhiều địa phương.
Khi nước sạch về làng
Chúng tôi về xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vào thời điểm các đồng chí trong cấp ủy, UBND xã cùng các trưởng thôn đang bàn triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Minh, Phạm Duy Hiển: Nước sạch và vệ sinh môi trường là một tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, bởi nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiện, dần bị ô nhiễm do các hoạt động kinh tế, khai thác và sử dụng nước lãng phí gây ra. Do vậy, việc xây dựng trạm cấp nước tập trung cung cấp nước sạch cho nhân dân là chủ trương hết sức đúng đắn, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa bảo vệ nguồn nước ngầm quý hiếm.
Năm 2010, xã Bình Minh xây dựng xong trạm cấp nước tập trung có công suất 920 m3/ngày đêm, đến nay đã có hơn 1.250 hộ trong xã lắp máy nước. Một bộ phận nhân dân ban đầu còn e ngại do sử dụng nước máy phải mất tiền nay đã bắt đầu đăng ký mắc đồng hồ đo nước. Ông Phạm Văn Khởi, thôn Thiết Trụ tâm sự: Trước đây nhà nào có bể nước mưa, có giếng khoan là tốt lắm rồi, nhưng bây giờ nước mưa chất lượng ngày càng giảm, còn nước giếng khoan qua mấy bể lọc mà vẫn có mầu đen vàng, khi dòng nước sạch của nhà máy nước về đến thôn, dân chúng tôi mừng quá, trong xóm các hộ đều đăng ký dùng nước máy.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ cho biết: Trạm cấp nước tập trung ở thị trấn Trần Cao ban đầu hoạt động chất lượng nước sinh hoạt do trạm sản xuất ra rất tốt, nhân dân đăng ký dùng nước khá đông; những hộ khó khăn về kinh tế được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thôn, xã đứng ra tín chấp để Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn làm công trình nước sạch. Nhưng sau mấy năm hoạt động, chất lượng nước ngày một giảm, cho nên người dân ít dùng, sau đó trạm phải ngừng hoạt động. Do vậy, việc xây dựng nhà máy nước đã khó rồi, nhưng việc quản lý, vận hành cung cấp nước sinh hoạt lâu dài, hiệu quả còn khó hơn, đây là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên.
Mô hình quản lý, vận hành nhà máy nước
Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Hoàng Nghĩa Nha cho biết, hiện nay công tác quản lý, vận hành các trạm cấp nước tập trung phục vụ nhân dân sao cho hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm. Trước năm 2008, các trạm cấp nước tập trung ở Hưng Yên thường do UBND xã, HTX quản lý, có những ưu điểm phục vụ nhân dân không vì lợi nhuận, giá nước sinh hoạt thấp… Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, trong quá trình quản lý, vận hành đã bộc lộ một số hạn chế như: phương thức điều hành, quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, không có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp, nguồn vốn và khả năng tài chính có hạn… cho nên việc sửa chữa, bảo dưỡng chưa được đầu tư thích đáng, kịp thời, dẫn đến việc sau một số năm hoạt động, công trình xuống cấp nhanh, ảnh hưởng chất lượng nước sinh hoạt, thậm chí có trạm cấp nước phải ngừng hoạt động. Trường hợp Trạm cấp nước thị trấn Trần Cao nêu trên là một thí dụ. Ðể vận hành lại trạm cấp nước, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hưng Yên đã tiếp nhận, tu sửa toàn bộ hệ thống nước và đưa nhà máy hoạt động trở lại, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân ở thị trấn Trần Cao. Về mô hình quản lý vận hành trạm cấp nước tập trung, Chủ tịch xã Bình Minh Phạm Duy Hiển cho biết, dự án xây dựng trạm cấp nước tập trung xã Bình Minh có tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 60%, còn lại 40% do xã và nhân dân đóng góp; đây là khoản tiền khá lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách xã có hạn. Ðể giải quyết vấn đề vốn và công tác quản lý vận hành nhà máy nước, UBND xã mạnh dạn cho doanh nghiệp vào đầu tư, đóng góp phần vốn còn lại và quản lý vận hành.
Gần hai năm qua, doanh nghiệp đã quản lý nhà máy khá tốt; họ luôn quan tâm đến chất lượng nước sản xuất ra để bảo đảm uy tín, giá nước hợp lý (4.500đồng/m3). Ðồng thời, họ có vốn, có cán bộ kỹ thuật nên luôn chủ động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những sự cố hỏng hóc. Giám đốc Nhà máy nước Tiên Dung, thị trấn Khoái Châu Phan Văn Ðể cho biết: Khi Công ty TNHH Hợp Ðể mua lại nhà máy nước này, thì nhà máy đã xuống cấp, nhiều hạng mục công trình còn dở dang, công ty đã bỏ thêm năm tỷ đồng để nâng cấp nhà máy và hoàn thành những hạng mục còn lại, đến nay nhà máy đi vào vận hành cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.500 dân trong thị trấn. Tuy nhiên với giá nước hiện nay khoảng năm nghìn đồng/m3 công ty đang bị lỗ, nhưng để khắc phục, chúng tôi đã phát triển sản xuất, kinh doanh đá, nước tinh khiết… cho nên công ty vẫn duy trì hiệu quả chất lượng nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trong vùng.
Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hưng Yên, từ năm 1999 đến năm 2011, trung tâm đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung ở 16 xã và thị trấn trong tỉnh, với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, có sáu trạm cấp nước tập trung do các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư đang quản lý vận hành. Các công trình cấp nước tập trung trên đang cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng hơn 41 nghìn dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở nhiều địa phương. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung, Ngân hàng CSXH Hưng Yên đã phối hợp hiệu quả với các địa phương và tổ chức đoàn thể cho nông dân vay vốn với tổng dư nợ hơn 350 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh góp phần đưa tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm hơn 88%, tỷ lệ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn QCVN 02:2009 hơn 48%. Trong quá trình thực hiện mục tiêu nước sạch ở Hưng Yên đã xuất hiện mô hình công – tư hợp tác hoạt động khá hiệu quả, có xu hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên để mô hình này hoàn thiện và phát triển nhanh, bền vững, cần được các cấp, các ngành ở Hưng Yên tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các chính sách hợp lý để các trạm cấp nước tập trung ở nông thôn hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ðảng và Nhà nước.
Theo Nhân dân