Nhân ngày Nước thế giới 22-3: Phát triển đô thị – không thể thiếu nước!

Trạm cấp nước sạch Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp. Ảnh: Bảo Lâm
“Nước là sự sống, là nguồn tài nguyên quý giá, có khả năng tự tái tạo nhưng không phải là vô tận. Việt Nam không phải là quốc gia giàu nước và đang cận kề một tương lai thiếu nước” – Đó là những thông điệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra nhân ngày Nước thế giới 22-3. Nếu không có các biện pháp bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này, nguy cơ thiếu nước cho phát triển đô thị trong tương lai không xa hoàn toàn có thể thành hiện thực.
Cư dân đô thị trước nguy cơ thiếu nước
Ngày Nước thế giới năm 2011 có chủ đề là “Nước cho phát triển đô thị”. Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ TN&MT cho biết: đây là vấn đề được cả thế giới quan tâm trong bối cảnh tài nguyên nước (TNN) đang đứng trước nguy cơ suy kiệt vì ô nhiễm. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức năm 1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22-3 hằng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Mục tiêu của Ngày Nước thế giới năm nay nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào các thách thức và sức ép ngày càng gia tăng tới nguồn nước từ quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, những bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai… Với chủ đề này, Liên hợp quốc muốn khuyến khích các chính phủ, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trên thế giới chủ động tham gia giải quyết các thách thức đối với công tác quản lý TNN trong bối cảnh đô thị hóa.

Thống kê cho thấy, một nửa dân số nhân loại (khoảng 3,3 tỷ người) hiện sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa này vẫn không ngừng gia tăng. Dự báo trong vòng hai thập kỷ tới, gần 60% dân số thế giới (khoảng 5 tỷ người) sẽ trở thành cư dân đô thị. Tất cả sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng và đặc biệt trở nên trầm trọng hơn ở những đô thị có mức độ dễ bị tổn thương cao trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Quá trình đô thị hóa sẽ không thể bền vững nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đối phó với thách thức này.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Năm 2009, cả nước có 747 đô thị từ loại 5 trở lên và cứ trung bình hơn một tháng lại có thêm một đô thị mới ra đời. Dự báo trong vài thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế đô thị. Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu bảo đảm sự phồn thịnh của đô thị và việc quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này mang tính sống còn, đòi hỏi phải có chiến lược mang tính tổng thể, có sự phối hợp và lồng ghép cao giữa các quy hoạch ngành, có tính đến mối tương tác giao thoa giữa đô thị và các vùng phụ cận. Nếu không được hoạch định, thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả, quá trình đô thị hóa quá nhanh sẽ làm gia tăng tình trạng nghèo đói, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường và các hệ sinh thái. Khi đó, an ninh nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hà Nội: Hạn chế khai thác nước ngầm, tăng nguồn nước mặt

Hà Nội sau điều chỉnh địa giới hành chính có tổng dân số khoảng 6,5 triệu người. TP hiện có 4 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất khoảng 954.500m3/ngày đêm và tổng công suất phát ra mạng 683.000m3/ngày đêm. 4 hệ thống cấp nước này đã phục vụ được cho 75-80% dân số đô thị với tiêu chuẩn cấp nước 80-150 lít/người/ngày. Tại các khu vực thị tứ và khu dân cư khác, tỷ lệ dân số được cấp nước khoảng 40-60% với tiêu chuẩn 50-70 lít/người/ngày.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống cấp nước tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp nước. Vì vậy, việc đầu tư và cải tạo hệ thống cấp nước là rất cần thiết. Trong báo cáo Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam lập, dự báo đến năm 2020, nhu cầu dùng nước sạch cho khu vực đô thị là trên 1,4 triệu m3/ngày đêm; năm 2030 là 2,13 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2050 là trên 2,83 triệu m3/ngày đêm. Kết quả thống kê cho thấy, các khu vực đô thị của Hà Nội đang chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm và một phần từ Nhà máy nước mặt sông Đà. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nguồn nước dưới đất dù dồi dào nhưng không phải là vô tận. Việc khai thác với công suất gần đạt đến mức giới hạn sẽ làm giảm mực nước dưới đất, ảnh hưởng lớn đến cấu tạo địa tầng, gây sụt lún đối với các công trình, khu đô thị. Do đó, TP đã có chủ trương đến năm 2020 hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại các bãi giếng mà nước có hàm lượng amoni và độ nhiễm bẩn hữu cơ cao. Đến năm 2030 sẽ dừng hẳn việc khai thác nguồn nước này.

Nhằm tìm nguồn nước thay thế, bảo đảm phát triển bền vững, Hà Nội đang tập trung nghiên cứu khai thác nguồn nước mặt từ sông Hồng, sông Đuống và mở rộng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà. Trên cơ sở đánh giá nguồn nước, ước tính, tổng công suất các nhà máy nước mặt có vào năm 2030 vào khoảng 2 triệu m3/ngày đêm. Cùng với xây dựng mới nhà máy, TP sẽ tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước, nâng tỷ lệ người dân đô thị được thụ hưởng nước sạch. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đang được khẩn trương hoàn chỉnh nhằm xác lập một kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước đồng bộ, bảo đảm tính khả thi cao trên các mặt kinh tế và kỹ thuật. Quy hoạch này sẽ hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển một cách hợp lý trên tất cả các khâu: lựa chọn nguồn nước, phát triển công suất các nhà máy, mở rộng mạng đường ống, chống thất thu thất thoát, nâng cao năng lực quản lý, vận hành…

Trong hai ngày 21 và 22-3, Lễ mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới được Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại TP Phan Rang-Tháp Chàm với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cơ quan đoàn thể. Bộ TN&MT cũng tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễu hành, phát sóng các bộ phim tài liệu về TNN, đạp xe diễu hành cổ động và nhiều hoạt động khác.
(Theo Tuấn Lương – Báo Hà Nội Mới)