Nguy cơ thiếu nước ngọt

So với cùng kỳ năm 2010, mực nước hồ Dầu Tiếng hiện tại thấp hơn 2m
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn trong những ngày đầu tháng 2 trên các sông Nam bộ đã cao hơn so với cùng kỳ năm trước, dự báo độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng trong cao điểm mùa khô.

Nguồn nước bị nhiễm mặn đang đe dọa đến việc cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu của hàng triệu người dân tại TP.HCM và các vùng phụ cận. Trong khi đó, nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) dùng để đẩy mặn cho sông Sài Gòn đang cạn dần vì khô hạn.

Các nhà máy nước phập phồng lo

Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ trong những ngày đầu tháng 2, độ mặn cao nhất tại sông Nhà Bè

(TP.HCM) dao động ở mức 14,6g/lít (cao hơn cùng kỳ năm 2010 gần 6g/lít). Tương tự tại các sông Vàm Cỏ Đông (Long An), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh), Đại Ngãi (Hậu Giang), độ mặn cũng tăng 3,3-13g/lít. Nguyên nhân tăng độ mặn là do lưu lượng nước thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long về ít, gió mùa đông bắc phát triển mạnh, làm xâm nhập mặn xuất hiện sớm và mạnh hơn cùng kỳ năm ngoái. Kết quả quan trắc của Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường TP.hcm cho thấy trên sông Sài Gòn, độ mặn 4-5g/lít cũng đã xâm nhập qua vùng Cát Lái, Thủ Thiêm.

Việc nhiễm mặn trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai đang đe dọa đến khả năng cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân tại TP.HCM (tiêu chuẩn Việt Nam quy định độ mặn trong nguồn nước cấp sinh hoạt không vượt quá 0,25g/lít). Thế nhưng tại khu vực lấy nước thô của trạm bơm Hòa Phú, huyện Củ Chi trên sông Sài Gòn (cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp, công suất 300.000m3/ngày) có thời điểm độ mặn lên gần 0,27g/lít.

Để giải quyết tình trạng nước nhiễm mặn, lãnh đạo Nhà máy nước Tân Hiệp đề nghị Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (viết tắt Công ty Dầu Tiếng) xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn ra khỏi các cửa sông. Từ ngày 30-1 đến 5-2, hồ Dầu Tiếng đã xả 25 triệu m3 cho khu vực hạ lưu sông Sài Gòn nên độ mặn tạm thời bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, những ngày qua độ mặn có dấu hiệu gia tăng trở lại theo triều cường. Từ ngày 13-2, Công ty Dầu Tiếng phải tiếp tục xả nước “cứu” Nhà máy nước Tân Hiệp. Theo ông Nguyễn Văn Lanh – phó trưởng phòng quản lý nước và công trình Công ty Dầu Tiếng, đợt xả này kéo dài đến ngày 20-2 và tiêu tốn thêm khoảng 23 triệu m3 nước.

Không giống như Nhà máy nước Tân Hiệp, các nhà máy nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức lấy nước từ hệ thống sông Đồng Nai sẽ phải bó tay nếu nước sông nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn cho phép, vì không có nguồn nước đẩy mặn như hồ Dầu Tiếng.

Những ngày qua, độ mặn tại các điểm lấy nước thô của các nhà máy nước Thủ Đức và BOO Thủ Đức cũng đã gia tăng khiến lãnh đạo các nhà máy nước phập phồng lo. Ông Trương Khắc Hoành, giám đốc Nhà máy nước BOO Thủ Đức, cho biết: “Nếu độ mặn trong nước sông vượt quá 0,25g/lít có thể nhà máy sẽ phải ngưng hoạt động”. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người dân TP.HCM sẽ lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Hồ Dầu Tiếng cạn dần

Dù sông Sài Gòn bị nhiễm mặn nhưng Nhà máy nước Tân Hiệp vẫn có thể lấy nước để xử lý là nhờ hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn. Tuy nhiên lượng nước trong hồ có giới hạn và đang cạn dần từng ngày. Theo Công ty Dầu Tiếng, mực nước trong hồ Dầu Tiếng (ngày 18-2) ở cao trình +20,61m, thấp hơn 2m so với cùng kỳ 2010. Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết lượng nước tại hồ Dầu Tiếng mỗi ngày hạ thấp 4-5cm và hiện chỉ còn cách mực nước chết hơn 3m.

Theo ông Vũ Đức Hùng – giám đốc Công ty Dầu Tiếng, do lượng nước về hồ ít (chỉ đủ thẩm thấu và bốc hơi) nên từ đầu năm 2011 công ty đã chủ động mời các đơn vị thụ hưởng nước ở Tây Ninh, TP.HCM họp triển khai kế hoạch tiết kiệm nước. Giải pháp được các đơn vị thống nhất là sẽ thực hiện tưới nước luân phiên trên hệ thống kênh Đông ngay từ đầu năm thay vì phải đợi đến tháng 3 hoặc tháng 4.

Cứ trong một tuần sẽ cung cấp nước tưới cho khu vực Tây Ninh (khoảng 70.000ha cây hoa màu, nuôi trồng thủy sản) bốn ngày thì ngưng để chuyển sang cung cấp nước tưới cho khoảng 15.300ha khu vực TP.HCM. Theo ông Hùng, giải pháp này đã giúp hồ Dầu Tiếng tiết kiệm được 140 triệu m3 nước. “Nhưng với lượng nước còn lại trong hồ sẽ khó đảm bảo cho việc xả nước đẩy mặn và phục vụ tưới tiêu nếu không sử dụng tiết kiệm, hợp lý” – ông Hùng cảnh báo.

Hiện lượng nước còn lại trong hồ Dầu Tiếng tương đương 446 triệu m3, trong đó sẽ phải phục vụ đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp khoảng 140 triệu m3, lượng còn lại phục vụ tưới tiêu cho Tây Ninh và TP.HCM (kéo dài đến tháng 7-2011). Tình hình xâm nhập mặn, khô hạn nghiêm trọng đang đòi hỏi hồ Dầu Tiếng phải xả nhiều hơn và khả năng cạn hồ nhanh hơn.


(Theo Quang Khải- Báo Tuổi trẻ)