Nghiên cứu tác động tổng thể của các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Công

 Trước mối quan ngại của các quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mê Công quốc tế về tác động của công trình thủy điện Xay-nha-bu-ly tới hạ lưu sông Mê Công, Chính phủ Lào đã quyết định tạm dừng việc triển khai thực hiện dự án thủy điện này để tiến hành nghiên cứu thêm về các tác động môi trường do công trình này gây ra. Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch của Việt Nam xung quanh vấn đề này, Tiến sỹ Trương Hồng Tiến (ảnh), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam cho biết:

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xúc tiến việc tìm kiếm một Công ty tư vấn quốc tế có uy tín trên thế giới về lĩnh vực này nhằm giúp nghiên cứu đánh giá tác động lũy tích của tổng thể các công trình thủy điện trên dòng chính đến vùng hạ du sông Mê Công trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thưa, ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về những nội dung sẽ được nghiên cứu, đánh giá?

Trước đây, từ tháng 6/2009 đến tháng 7/2010 Ủy hội Sông Mê Công quốc tế đã thực hiện dự án đánh giá môi trường chiến lược của 12 công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Công (SEA). Dự án đã đưa ra những kết quả đánh giá sơ bộ về tác động lũy tích của các công trình thủy điện này đến chế độ phù sa, thủy sản, môi trường sinh thái… của vùng hạ du sông Mê Công, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

 tt908

 

Tuy nhiên, do còn thiếu thông tin số liệu, hạn chế về thời gian, kinh phí… nên kết quả đánh giá của SEA chủ yếu vẫn ở mức độ định tính hơn là định lượng, chưa thực sự đầy đủ và sâu sắc, đặc biệt là số liệu về mức độ ảnh hưởng tới ĐBSCL. Vì vậy, trên cơ sở các số liệu sẽ được thu thập đầy đủ hơn, nội dung của nghiên cứu sắp tới sẽ tập trung vào việc lượng hóa các tác động lũy tích của các công trình thủy điện dự kiến trên dòng chính sông Mê Công tới môi trường sinh thái, các ngành kinh tế của vùng hạ du trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hy vọng rằng, kết quả này sẽ là căn cứ để Việt Nam và các nước thành viên tiếp tục thảo luận để tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ môi trường hạ lưu vực sông Mê Công.

Được biết, Ủy hội Sông Mê Công quốc tế vừa mới phê chuẩn “Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước”. Mục tiêu, nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược của Ủy hội và các quốc gia thành viên như thế nào, thưa ông ?

Có thể nói đây là một thành công rất lớn của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế. Qua đó, các quốc gia thành viên đã thể hiện cam kết rất cao trong hợp tác quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công. Mục tiêu của Chiến lược là nhằm giúp cho các quốc gia thành viên Ủy hội đưa ra cách thức chia sẻ, sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của lưu vực, đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội, trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung đối với tất cả các nước hạ lưu vực như yêu cầu của Hiệp định Mê Công 1995. Chiến lược sẽ giúp xác định cơ hội cho phát triển tài nguyên nước với các rủi ro kèm theo và đưa ra các hành động để đạt tối ưu cơ hội và giảm thiểu rủi ro; và cung cấp một quy trình với sự phối hợp chặt chẽ của các quốc gia, có sự tham gia của các bên liên quan, minh bạch thúc đẩy cho sự phát triển bền vững sông Mê Công.

Để triển khai thực hiện Chiến lược này, hiện nay Ủy hội và các quốc gia thành viên đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động lưu vực. Kế hoạch này bao gồm Kế hoạch hành động vùng do Ban Thư ký Ủy hội thực hiện và bốn Kế hoạch hành động quốc gia do các quốc gia thực hiện. Kế hoạch hành động lưu vực dự kiến sẽ được Ủy hội thông qua trong năm 2012.

Trân trọng cám ơn ông !

 

(Theo Monre.gov.vn)