(TN&MT) – Tính đến nay, 8/13 địa phương ĐBSCL đã công bố thiên tai hạn mặn. Trong điều kiện ĐBSCL đang chịu “tác động kép” là hạn mặn và nước biển dâng do BĐKH, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc để có những giải pháp cấp bách và lâu dài, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản của bà con.
Đợt xâm nhập mặn lần này ở ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng trong vòng khoảng 100 năm qua, với 3 đặc điểm “sớm, xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài nhiều ngày”. Khoảng trên 500 nghìn người dân vùng ĐBSCL đang thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực Bến Tre khi nước dưới đất của các tầng đang bị nhiễm mặn, đồng thời do hoạt động khai thác nuôi tôm ở một số xã thuộc huyện Bình Đại nên sự nhiễm mặn càng gia tăng.
“Giải cứu” xâm nhập mặn
Trong bối cảnh trên, để có nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho các khu vực trọng điểm về hạn hán, nhiễm mặn, theo ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, giải pháp khoan khai thác nước ngầm là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất. Ông Triệu Đức Huy cho rằng, với thời gian thi công ngắn từ 1 – 3 tháng có thể hoàn thành một công trình hay cụm công trình khai thác nước dưới đất.
“Theo số liệu điều tra cơ bản ở mức sơ bộ, tỉ lệ 1/200.000, nước ngầm khu vực ĐBSCL phân bố trong 8 tầng chứa nước với các độ sâu từ vài chục đến 500 mét. Trữ lượng nước có thể khai thác được ở mức an toàn khoảng trên 4,5 triệu m3/ngày. Trữ lượng hiện đang được khai thác là 1,9 triệu m3/ngày, như vậy trữ lượng còn có thể khai thác khoảng hơn 2 triệu m3/ngày. Kể cả đối với những tỉnh khó khăn như Bến Tre, vẫn có thể khai thác nước ngầm ở tầng chứa nước sâu từ 400-500m phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt” – ông Triệu Đức Huy nói.
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường |
Ông Triệu Đức Huy cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, hiện nay Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đang chỉ đạo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam khẩn trương cùng với địa phương lựa chọn các vùng có nhu cầu cấp bách nhất về nước sinh hoạt tại các tỉnh bị xâm nhập mặn để tiến hành khoan thăm dò và kết cấu thành các giếng khoan khai thác phục vụ nhu cầu cấp bách về nguồn nước ngọt cho địa phương. Tuy nhiên, muốn tìm ra các nguồn nước ngầm có giá trị để cung cấp cho nhu cầu chống hạn trước mắt nhưng hiệu quả lâu dài, phải xây dựng hệ thống cấp nước tập trung cho các điểm tập trung dân cư đảm bảo vận hành và quản lý lâu dài, trong đó, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, sử dụng mô hình công nghệ phù hợp với trình độ quản lý của nhân dân, đồng thời phải giải quyết những vấn đề “hậu đầu tư”.
Cụ thể, các đơn vị của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đang tiến hành khảo sát các tỉnh vùng ĐBSCL và đang thi công ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ có 4 cụm công trình cấp nước tập trung với công suất lớn, từ khoảng 1.000 – 3.000 m3/ngày. “Các cụm công trình này có thể cấp nước tại chỗ cho những vùng đang hết sức khan hiếm nước, đồng thời trung chuyển nước cho các vùng lân cận, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt” – ông Triệu Đức Huy nhấn mạnh.
Trước đó, Trung tâm đã cung cấp các bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau; các tài liệu về kết quả quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn và thống kê chiều sâu phân bố theo từng tỉnh để Bộ gửi UBND các tỉnh và TP vùng ĐBSCL.
Cần quy hoạch tài nguyên nước cho ĐBSCL
Được biết, ĐBSCL có 8 tầng chứa nước phân bố ở các độ sâu khác nhau, trong đó, tầng sâu nhất khoảng 400 – 500 mét, trong khi đó, người dân mới chỉ khai thác được ở các tầng chứa nước có độ sâu không lớn. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch tài nguyên nước nên việc khai thác phần lớn do nhu cầu tự phát, nhiều khu vực phân bố mật độ giếng quá dày, lưu lượng vượt quá khả năng bổ cập của tầng chứa nước nên đã xảy ra hàng loạt các tác động tiêu cực do khai thác như: cạn kiệt cục bộ, gia tăng quá trình ô nhiễm trên bề mặt, gia tăng quá trình nhiễm mặn, sụt lún nền đất.
Theo ông Triệu Đức Huy, với tiềm năng và trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác ở ĐBSCL như hiện nay, tài nguyên nước dưới đất được xác định là nguồn tài nguyên “chiến lược”, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh nguồn nước để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL.
ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm qua |
Ông Triệu Đức Huy cho biết: Do khó khăn về điều kiện thi công, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật khoan và chi phí tốn kém nên các tầng chứa nước sâu chưa được khai thác nhiều. Hiện nay, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đang hỗ trợ các địa phương khoan những lỗ khoan sâu. Mặc dù chi phí lớn nhưng lưu lượng nước cho mỗi lỗ khoan rất cao, từ 1.000 – 3.000 m3/ngày nên 1 hoặc vài lỗ khoan có thể xây dựng được 1 nhà máy nước để cấp nước cho 1 cụm dân cư hoặc khu vực.
“Để quản lý tài nguyên nước ngầm hiệu quả và phục vụ cho nhu cầu an ninh chính trị, an ninh quốc phòng về nguồn nước vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, Bộ TN&MT cần triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL, làm căn cứ để phân bổ nước ngầm sử dụng cho hợp lý” – ông Triệu Đức huy khẳng định.
Ông Triệu Đức Huy cho rằng, khi có quy hoạch, để có thể khai thác bền vững và tìm ra những nguồn nước ngọt có giá trị, cần đầu tư điều tra, tìm kiếm nguồn nước này, phục vụ nhu cầu dự phòng cũng như nhu cầu chiến lược nhằm đảm bảo ninh nguồn nước trong mọi điều kiện. Đặc biệt khi khí hậu bất thường, nguồn nước mặt và nước mưa không đảm bảo, nguồn nước dưới đất sẽ là nguồn nước dự phòng.
(Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn – Bài & ảnh: Mai Đan)