Nước ngầm ngày càng sụt giảm nghiêm trọng

khoan-khai-thac-nuoc-chong-hanViệc khoan giếng ồ ạt như hiện nay ảnh hưởng nghiêm trong tới nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước, nước bị đục, bị phèn, và đặc biệt hơn là nguồn nước ngầm bị xụt giảm nghiệm trong

Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ TN-MT): trong mười năm, nước ngầm tại một số nơi ở Hà Nội giảm đến 6m, tại TP.HCM có nơi giảm đến 10m.

* Hiện TP.HCM đang có trên 310.000 giếng khoan, có nơi phải khoan đến 160m trở lên mới có nước ngọt.

* Nếu không có những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, 30 năm nữa ở TP.HCM sẽ không còn nước ngầm!

Những con số trên đang khiến nhiều người phải giật mình về tình hình khoan giếng hiện nay.

Không chỉ một cây, có hộ còn khoan cùng lúc hai cây nước ngầm đường ống 60mm chỉ cách nhau 1m để bơm nước nhanh gấp đôi. Mỗi giờ bơm 80m3, như vậy một cây nước rót đầm tôm trên 1.900m3/ngày đêm, điều này đủ thấy được lượng nước ngầm bị khai thác nhiều như thế nào.Tại ĐBSCL, dù hàng ngàn cây nước ngầm (giếng khoan) ở các đồng tôm, rẫy màu… nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, chỉ ước chừng chung chung. Ông Phạm Văn Chu – một chủ hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (thị xã Bạc Liêu) – nói: “Nước ngầm đang cạn kiệt nên người nuôi tôm bây giờ đều sử dụng đường ống 60mm gắn môtơ điện công suất mỗi giờ bơm khoảng 80m3, mỗi đợt bơm liên tục 5-7 ngày”.

Một nhà khoan 2-3 cây nước

Về vùng trồng rau, hành tím chuyên canh ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ở đâu cũng nghe vang rền tiếng máy bơm nước từ các cây nước ngầm. Ông Trần Thanh Hiện ở xã Lạc Hòa cho biết nhà ông có một cây nước gắn máy bơm dùng trong gia đình, ngoài rẫy hành còn có một cây nước khoan sâu 106m với đường ống 49mm để bơm nước tưới nhưng mới sử dụng được hai năm đã “hụt hơi” nên phải khoan thêm một cây nước khác.

Cây nước này sâu 108m với đường ống 60mm, đặt máy bơm tốc độ 40m3/giờ mới bơm đủ nước tưới hành trong những tháng mùa khô. Đi dọc đường Nam Sông Hậu qua huyện Vĩnh Châu có thể đếm được hơn 2.000 cây nước ngầm bởi hầu như nhà nào cũng có 1-2 cây nước.

Phía xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) cây nước “mọc” lên khắp các rẫy dưa hấu, rau cải, ngò rí… Ông Trần Thanh Phúc ở ấp Thào Lạng than vãn: “Nắng nóng thiếu nước nghiêm trọng, mấy cây nước ở vùng này thường xuyên bơm không lên nước. Muốn có nước phải bơm mồi 5-10 phút, có lúc máy chạy xì khói đen nhưng nước lên chừng nửa giờ đã ngưng chảy”.

Không chỉ lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt hay tưới rau mà hàng ngàn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL còn khoan cây nước phục vụ nhu cầu nuôi tôm công nghiệp. Ông Phạm Văn Chu khẳng định: “Vùng này nhà nào nuôi tôm đều khoan cây nước để lấy nước pha với nước biển nuôi tôm sú.

Trước đây tôi có cây nước đường ống 49mm, sâu 106m (thời điểm năm 2005 chỉ cần khoan 95-100m là có nước), bơm liên tục bảy ngày bảy đêm mới cho máy nghỉ. Có lần bơm đến ngày thứ sáu thì hết nước, cho máy nghỉ hai ngày rồi bơm tiếp nhưng nước chỉ chảy được hai ngày rồi hết nước luôn”. Ông Út Sâm ở gần đó cũng cho biết vừa chi 2,7 triệu đồng khoan tiếp một cây nước khác vì cây nước cũ bơm không lên nước.

Có nước máy vẫn khoan giếng

Nếu như tại ĐBSCL một nhà xài 2-3 giếng khoan thì tại TP.HCM dù được cung cấp nước máy khá rộng nhưng nhiều nhà vẫn khoan giếng để xài nước ngầm. Một phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết có khoảng 90.000 giếng khoan ở khu vực nội thành. Chỉ riêng tại Xí nghiệp cấp nước Trung An (thuộc Sawaco) trong thời gian qua đã kiểm tra phát hiện hơn 150 trường hợp sử dụng hai nguồn nước.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An, nói khi phát hiện trường hợp sử dụng hai nguồn nước đơn vị này đều tiến hành lập biên bản, yêu cầu ngưng sử dụng nước giếng theo quy định nhưng vẫn có tình trạng sau đó người dân tự ý đấu nối lại và “ngụy trang” kỹ hơn.

Tại khu vực ngoại ô TP.HCM, việc khoan giếng sử dụng nước ngầm rất thoải mái. Mặc dù theo quy định, trước khi khoan giếng phải xin phép chính quyền địa phương nhưng thực tế mọi người dân đều bỏ qua thủ tục này.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 200.000 giếng khoan của các hộ gia đình khai thác khoảng 200.000m3/ngày, thực tế còn lớn hơn con số này rất nhiều. Ngoài khai thác nước giếng để sinh hoạt, người dân tại những khu vực trồng rau của Q.12, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi… cũng thường dùng nước giếng khoan để tưới tiêu.

Thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên – môi trường (TNMT) TP.HCM cho thấy hiện có khoảng 100.000 giếng khoan công nghiệp khai thác khoảng 400.000m3/ngày. Theo ông Huỳnh Lê Khoa – phó phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản thuộc Sở TNMT TP.HCM, do hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên tình trạng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất hầu như xuất hiện tại hầu hết các khu công nghiệp. “Những trường hợp khoan giếng đều phải xin phép Sở TNMT nhưng thực tế có nhiều đơn vị khoan chui” – ông Khoa cho biết.

Giếng khoan ngày càng sâu

Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ cơ sở khoan giếng trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, có gần 30 năm trong nghề khoan giếng, cho biết vẫn thường xuyên nhận hợp đồng cho nhiều hộ gia đình, các công ty trên địa bàn Q.12, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Một số nơi đã có nước máy như Gò Vấp, Tân Phú vẫn có nhiều người khoan giếng để xài.

Theo ông Tâm, càng về phía miền Tây mực nước ngầm càng hạ thấp. Nếu như tại khu vực trung tâm TP chỉ cần khoan 28m là có nước “ngon” thì tại các khu vực quận 6, 8, huyện Bình Chánh khoan từ 160m trở lên mới xài được nước. Riêng tại khu vực quận Gò Vấp, khoảng 10 năm trước chỉ khoan xuống 16m là có nước ngầm nhưng giờ phải khoan đến 24m, thậm chí sâu hơn mới xài được. Thời gian qua, chỉ riêng cơ sở của ông Tâm đã khoan cho hàng trăm trường hợp tại nhiều khu vực ở TP.HCM.

(Tổng hợp: TTDLTNN)