Trong khuôn khổ Hội thảo: “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, vấn đề về hiện trạng nước dưới đất và một số vấn đề về quản lý, bảo vệ bền vững cho nguồn tài nguyên nước đã được ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày và thảo luận.
Nước dưới đất gồm tất cả nước tồn tại dưới dạng khác nhau phân bố trong các chỗ trống, các khe nứt của đất đá nằm dưới mặt đất. Nước dưới đất có diện tích phân bố rộng rãi từ vùng ẩm ướt cho đến các sa mạc, ở núi cao, vùng cực của trái đất.
Nước dưới đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tự nhiên và xã hội con người. ở những nơi khí hậu khô hạn, vào mùa cạn khi nước trên bề mặt rất hiếm thì nước dưới đất trở nên nguồn cung cấp cực kỳ quý giá. Nước dưới đất thực chất là một loại khoáng sản lỏng, cung cấp cho các ngành công nghiệp, cho sinh hoạt dân dụng, phục vụ cho nông nghiệp. Quy lụât hoạt động và di chuyển của nước dưới đất có ảnh hưởng đến các công trình khai thác, kiến trúc xây dựng, giao thông .v.v..
Cần phân biệt nước dưới đất với nước ngầm mà chúng ta hay dùng để chỉ chung các loại nước không tồn tại trên mặt đất. Nước ngầm chỉ là một loại trong nước dưới đất. Nước ngầm được sử dụng cho khoảng 2 tỷ người trên thế giới. Nó được coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên sử dụng đơn giản nhất.
Nước dưới đất có thể chứa một lượng muối có lợi cho sức khoẻ. Khi nước dưới đất có chứa các nguyên tố hoá học với hàm lượng thích hợp thì nó trở thành một loại nước khoáng chữa bệnh hoặc giải khát có lợi cho sức khoẻ con người. Nước có nhiệt độ cao cũng là nguồn năng lượng quan trọng. Theo thống kê, nguồn năng lượng nhiệt của nước dưới đất tương đương với năng lượng của 2900 tỷ tấn than.
Vậy hiện trạng khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam như thế nào?
Theo ông Triệu Đức Huy, tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất tại Việt Nam là 181.23 triệu m3/ngày (66,24 tỷ m3/năm), trong đó tổng trữ lượng có thể khai thác toàn quốc: 45,59 triệu m3/ngày (16,66 tỷ m3/năm). Hiện trạng khai thác NDĐ toàn quốc vào khoảng 10,39 triệu m3/ngày (3,8 tỷ m3/năm). Với hiện trạng khai thác nước dưới đất tại Việt Nam như vậy đã đặt ra những thách thức hết sức cấp bách về khai thác, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước dưới đất như:
– Khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của tầng chứa nước;
– Mật độ giếng khoan khai thác bố trí không hợp lý;
– Chế độ khai thác chưa hợp lý, khai thác tập trung vào mùa khô hạn;
– Sử dụng tài nguyên nước dưới đất chưa hiệu quả.
Khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của một số tầng chứa nước gây nên hạ thấp mực nước: tại một số địa phương, đặc biệt một số tỉnh ở bán đảo Cà Mau và ven biển đồng bằng Sông Cửu Long.
– Tình trạng suy thoái, cạn kiệt đã và đang xảy ra ở một số tầng chứa nước;
– Gia tăng diện tích nhiễm mặn;
– Hàng trăm nghìn giếng khoan kiểu UNICEF bị bỏ hoang (không còn khai thác) không được trám lấp tiềm ẩn nguy cơ lan truyền ô nhiễm, nhiễm mặn giữa các tầng chứa nước;
– Hạ thấp mực nước do khai thác nước dưới đất được xem như một trong những nguyên nhân gây sụt lún mặt đất. Các kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực bán đảo Cà Mau hiện nay có tốc độ lún trung bình khoảng 2 – 4 cm/năm và vẫn tiếp tục gia tăng theo thời gian.
Tốc độ sụt lún trung bình tại bán đảo Cà Mau
– Điều tra, đánh giá ở tỷ lệ lớn ( ≥ 1:50.000) mới chỉ phủ 1 phần rất nhỏ diện tích lãnh thổ. Thông tin số liệu về tài nguyên nước dưới đất tại nhiều vùng, miền còn chưa đầy đủ;
– Hệ thống quan trắc chưa đáp ứng yêu cầu cung thấp thông tin số liệu để theo dõi, cảnh báo, dự báo:
– Tại nhiều nơi còn chưa kiểm soát, giám sát được các hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất, đặc biệt là các giếng khoan đơn lẻ công suất nhỏ;
– Chưa kiểm soát được các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước;
– Chưa có quy hoạch tài ngyên nước ở quy mô lưu vực sông;
– Các quy hoạch chuyên ngành liên quan sử dụng nước và các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thiếu thống nhất.
Vậy các giải pháp để quản lý, bảo vệ bền vững nguồn nước dưới đất là gì?
Theo ông Triệu Đức Huy, cần có các giải pháp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, tiến hành song song các giải pháp về quản lý và giải pháp về kỹ thuật để quản lý, bảo vệ bền vững nguồn nước dưới đất
- Giải pháp quản lý
– Hoàn thành chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước
– Chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn;
– Đẩy mạnh công tác quan trắc , giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia;
– Ứng dụng khoa học – công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong công điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước
– Nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
- Giải pháp kỹ thuật
– Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước
– Tiếp tục và đẩy mạnh về công tác điều tra, tìm kiếm và đánh giá tài nguyên nước
– Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước
– Nghiên cứu đề xuất các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu