Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, tại một số khu vực phía Nam Hà Nội thuộc các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên với diện tích khoảng 200km2, nước dưới đất của tầng chứa nước chính đang bị xâm mặn với độ tổng 1-2 g/l, không đáp ứng tiêu chuẩn ăn uống sinh hoạt. Nước dưới đất có độ mặn khá cao không những không thể khai thác phục vụ cung cấp nước mà còn có khả năng lan nhanh lên phía Bắc.
Quá nhiều “lỗ hổng” dưới tầng nước ngầm
Khu vực mà các nhà khoa học địa chất thủy văn tiến hành nghiên cứu là vùng phía Nam Hà Nội bao gồm các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, một phần phía nam của huyện Thanh Oai, Chương Mỹ có diện tích khoảng 500km2.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản, chuyên gia về tài nguyên nước, khu vực phía Nam Hà Nội có hệ thống sông suối khá phát triển và đa dạng. Trong số đó, phải kể đến sông Hồng, sông Nhuệ và Sông Đáy. Sông Hồng chảy qua ranh giới phía đông các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Điều đáng quan tâm là sông Hồng có lưu lượng nước khá lớn, và cũng là nguồn cung cấp cho các tầng chứa nước chính của khu vực.
Mặt khác, do sông Hồng luôn luôn phải có đê bảo vệ nên tạo ra những khu vực khá trũng như Phú Xuyên, Ứng Hoà. Riêng vùng Mỹ Đức còn có dạng địa hình vùng núi đá vôi là phần cuối của hệ thống núi và cao nguyên Tây Bắc kéo dài từ Sơn La xuống. Với đặc thù như vậy, nên ở khu vực này tạo ra tầng chứa nước cả lỗ hổng lẫn khe nứt.
Qua khảo sát thực tế tại khu vực, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản cho biết, ở đây tồn tại hai hình thức khai thác nước dưới đất là khai thác công nghiệp và khai thác nông thôn. Các công trình khai thác nước công nghiệp tập trung chỉ có 7 công trình quy mô nhỏ khai thác với lưu lượng từ 50 đến 160 m3/ngày để phục vụ các thị trấn như Vân Đình, Phú Xuyên, Thường Tín và các điểm tập trung dân cư khác có tổng công suất khai thác khoảng 660 m3/ngày.
Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng giếng khoan kiểu này của 4 huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ưng Hòa và Thanh Oai có khoảng 160.000 giếng. Nếu tính bình quân mỗi giếng khai thác khoảng 0,5m3/ngày thì tổng lưu lượng khai thác khoảng 80.000 m3/ng. Chế độ khai thác tùy tiện, thiết bị khai thác đơn giản là các máy bơm ly tâm do Trung Quốc sản xuất với thiết bị xử lý thô sơ. Theo kết quả điều tra cho thấy, nhiều giếng bị hư hỏng với lý do giếng không được bảo dưỡng nên chỉ khai thác một thời gian thì bị bẩn, bị tắc… phải bỏ đi và làm giếng mới.
Khai thác thiếu bền vững – Xâm mặn lan nhanh
ThS. Nguyễn Văn Kềnh, quyền Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc cho rằng, xâm nhập mặn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, song chủ yếu là sự khai thác nước dưới đất bừa bãi, không đúng phương pháp.
“Khi khai thác, mực nước dưới đất giảm xuống dẫn đến dòng chảy theo phương ngang và sự thấm xuyên tăng lên kéo theo các nguồn nước mặn về phía công trình khai thác. Việc khai thác càng lớn, quá mức, sự xâm nhập mặn xảy ra càng nhanh. Xâm nhập mặn ở vùng phía Nam Hà Nội chủ yếu là phương ngang, tức là sự lôi kéo nước mặn ở phía nam thành phố lên phía bắc”, ThS. Nguyễn Văn Kềnh phân tích.
Với những nhận định ban đầu như vậy, các nhà khoa học địa chất thủy văn đã tiến hành nghiên cứu xâm nhập mặn bằng phương pháp mô hình hóa bằng phần mềm MODFLOW/MT3DMS cho phần lớn diện tích của thành phố Hà Nội với ô lưới 1000×1000 km.
Để dự báo xâm nhập mặn, các nhà khoa học đã thiết lập phương án giữ nguyên hiện trạng khai thác như hiện tại và bố trí thêm cụm gồm 5 giếng khai thác ở xã Hậu Xá, huyện Ứng Hòa với lưu lượng khai thác của giếng là 1500m3/ngày, tổng số là 7500m3/ngày.
Với các kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy, sự xâm nhập mặn xảy ra chủ yếu do sự khai thác nước dưới đất không hợp lý với công suất lớn ở vùng trung tâm thành phố. Các vùng còn lại, trừ các vùng cấm đã được thành phố quy định vẫn có thể xây dựng các công trình khai thác công suất vừa và nhỏ (khoảng 5.000-10.000 m3/ngày) mà xâm nhập mặn liên quan gây ra không đáng kể.
Để giải quyết thực tế trên đây, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản cho rằng, giải pháp tổng thế hiện nay là phải đánh giá đầy đủ tiềm năng nước dưới đất trên phạm vi toàn thành phố, xây dựng quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý có tính đến các tác động môi trường trong đó có việc phòng ngừa giảm thiểu các quá trình xâm nhập mặn, sử dụng các biện pháp làm giảm tính thấm của đất đá chứa nước khu vực ranh giới mặn nhạt và bơm hút để hạ thấp mực nước vùng nước mặn.
(Theo monre.gov.vn)