Nâng cấp hệ thống thuỷ lợi vùng Tứ giác Long Xuyên

(ĐCSVN) – Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tổng diện tích tự nhiên vùng Tứ giác Long Xuyên khoảng 488.935ha, trong đó, tỉnh An Giang chiếm gần 49% tổng diện tích, tỉnh Kiên Giang chiếm 47,97% và thành phố Cần Thơ chiếm 3,11%.

NTM_kien_giang

Được biết, vùng Tứ giác Long Xuyên được giới hạn bởi kênh Vĩnh Tế, sông Hậu, Quốc lộ 80 và kênh Rạch Giá – Hà Tiên. Theo đánh giá, nhìn chung thời gian qua việc quản lý khai thác, vận hành và bảo vệ hệ thống các công trình thủy lợi tại khu vực này đã đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng. Đặc biệt là vận hành đập Tha La và đập Trà Sư trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ chung cho toàn vùng Tứ giác Long Xuyên đã đáp ứng yêu cầu sản xuất, đảm bảo lợi ích của người dân trong vùng.

Tuy nhiên, hiện nay một số công trình thuỷ lợi không còn phù hợp với nhiệm vụ thiết kế ban đầu, việc đóng hay mở cống phải tùy thuộc vào điều kiện thủy triều, các cống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phải đóng cưỡng bức để giữ ngọt. Cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ sản xuất của các tỉnh, thành phố trong vùng không giống nhau nên việc vận hành công trình thủy lợi để đáp ứng nhu cầu chung của vùng gặp khó khăn. Do đó, việc củng cố, rà soát lại hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên là điều cần thiết và cấp bách, đặc biệt xem xét lại thiết kế cửa cống để đảm bảo giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả. Đồng thời các địa phương trong vùng Tứ giác Long Xuyên cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc vận hành hệ thống công trình nhằm bảo vệ sản xuất trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặm và hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong vùng.

Những năm qua, tình hình lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng. Để giải quyết những khó khăn trên, tỉnh An Giang đã đề xuất cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng Tứ giác Long Xuyên gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng. Tổng nhu cầu vốn cần đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông, lưới điện và trạm bơm.v.v.. dự kiến là khoảng 5.500 tỉ đồng cho cả vùng. Trong đó, tỉnh An Giang cần khoảng 3.350 tỉ đồng để xây dựng hệ thống cống thay thế đập Trà Sư và Tha La điều tiết lũ tràn biên giới, đầu tư hệ thống đê bao kết hợp với giao thông bờ Đông Tha La, quy hoạch và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cống, đê bao kết hợp giao thông, trạm bơm điện, nâng cấp tuyến kênh cấp I, đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ bào tồn thủy sản rừng tràm Trà Sư, các công trình tưới tiêu, thoát lũ, phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngăn lũ…

Ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, việc tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là cần thiết và cấp bách bởi tái cơ cấu cùng với đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên là gắn với phát triển hệ thống dân cư sinh sống ổn định, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng yêu cầu tỉnh An Giang sớm có dự án cụ thể về tái cơ cấu vùng Tứ giác Long để trình các bộ, ngành, Chính phủ xem xét.

Việc đầu tư hoàn chỉnh và xây dựng các trạm bơm tưới vùng cao tiếp tục được thực hiện, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa, khôi phục, nạo vét các tuyến đường ô thoát lũ. Các tuyến đê bao ngăn lũ hiện có được gia cố, xây dựng các công trình phục vụ tưới tiêu và phòng lũ đảm bảo tưới tiêu chủ động, điều tiết nhu cầu sử dụng nước và cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngập nước, đặc biệt, An Giang là địa phương nằm ở đầu nguồn của vùng lũ nên việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ giúp An Giang từng bước kiểm soát và điều tiết mực nước trong mùa lũ và tích nước vào mùa khô, khắc phục tình trạng lũ lụt và hạn hán trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng./.

(Theo dangcongsan.vn)