Việc cái tiến, ứng dụng KHCN trong hoạt động quan trắc môi trường đang phát huy tác dụng tích cực trong việc nâng cao giá trị các sản phẩm dự báo.
Giảm thủ công, nâng tỷ lệ tự động hóa trạm đo
Trong hoạt động quan trắc, việc đo đạc hiện trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như trước đây, việc quan trắc sẽ được thực hiện thủ công do người quan trắc viên trực tiếp đo đạc các yếu tố quan trắc bằng các phương tiện, thiết bị thô sơ. Thì nay thế hệ các thiết bị đo đạc hiện trường đang dần từng bước được thay thế bằng các máy kĩ thuật số, quan trắc đo đạc từ đơn chỉ tiêu đến đa chỉ tiêu. Các hệ thống quan tắc tự động đã và đang được đưa vào sử dụng ngày càng rộng rãi hơn trong các hoạt động quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước. Cụ thể như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, trong 5 năm trở lại đây Nhà nước đã đầu tư hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, nâng số trạm tự động lên tới 41,48% trong đó: Khí tượng tự động đạt 18,04%, đo mưa tự động đạt 49,27%, khí tượng cao không đạt 66,67%, thủy văn (đo mực nước) 49,09%, thủy văn (đo lưu lượng nước) là 31,33%.
Đặc biệt, trong những năm qua các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, áp dụng thành công nhiều thành quả kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn đất nước góp phần nâng cao trình độ công nghệ quan trắc như nghiên cứu xây dựng mô hình hệ thống quan trắc khí theo công nghệ telemonitoring; nghiên cứu, thiết kế, áp dụng thử nghiệm hệ thống giám sát cảnh báo cà điều khiển từ xa các trạm quan trắc môi trường tự động. Cùng với đó các nhà khoa học đã chế tạo thành công một số loại máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc hiện trường được sử dụng trong thực tế như máy đo phóng xạ đường bộ, máy đo suất liều, máy đo môi trường di động… những hoạt động nghiên cứu, chế tạo này đang được tiếp tục trong giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.
Hoạt động quan trắc từ xa thông qua các thiết bị đặt trên vệ tinh trước kia vốn xa lạ với Việt Nam, song gần đây công nghệ viễn thám đã được đưa vào sử dụng rộng rãi, hình thành hệ phương pháp quan trắc mới dần chiếm vị trí đáng kể trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng về tài nguyên và môi trường, biển và hải đảo, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế. Các lĩnh vực khác như môi trường, tài nguyên nước cũng đã có nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong việc dự báo ô nhiễm thông qua các mô hình lan truyền chất gây ô nhiễm, dầu tràn trên biển; xây dựng mô hình phân tích hệ thống để phân bổ tài nguyên nước…
Hình thành cơ sở dữ liệu nền, cung cấp miễn phí
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng nhiều phần mềm xử lý số liệu chuyên ngành cho từng lĩnh vực. Các cơ sở dữ liệu được xây dựng theo một chuẩn thống nhất, được cập nhật thường xuyên, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quan trắc cho từng lĩnh vực chuyên ngành cũng như của toàn ngành toàn nguyên và môi trường; sự trao đổi dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có, chất lượng số liệu và vấn đề đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng đã được chú trọng. Việc cung cấp miễn phí thông tin quan trắc và kết quả dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, môi trường hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cho người dân đã có các quy định pháp luật và được thực hiện trên thực tế. Đây được coi là một tín hiệu vui cho hoạt động quan trắc của nước ta đồng thời có thể bắt kịp xu hướng với các nước phát triển.
Trong hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường, việc xử lý thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm; sự cố môi trường là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm gần đây, đã có nhiều mô hình số trị, nhiều sản phẩm công nghệ mới (rađa, vệ tinh phân giải cao) để tham khảo. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ ngoại nhập, từ đó đã rút ngắn được thời gian tiến hành dự báo, cung cấp luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng dự báo, xây dựng được hệ thống dự báo khí tượng hạn vừa từ kết quả của các mô hình toàn cầu và khu vực, xây dựng được các phần mềm tổ hợp ảnh radan, xác định quỹ đạo di chuyển của tâm bão và phát triển công nghệ dự báo hạn cực ngắn…
Các chuyên gia cho rằng, để có thể có con số dự báo chính xác trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phòng tránh, cảnh báo những điều kiện thời tiết, môi trường nguy hiểm, cần phải tiếp tục nghiên cứu đầu tư những công nghệ phù hợp hơn nữa đối với điều kiện của Việt Nam.
(Theo monre.gov.vn)