Mực nước ngầm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tụt giảm nghiêm trọng

Theo một công trình nghiên cứu gần đây do Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam công bố, đến năm 2015, trung bình vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m. Nếu như trước kia, chỉ cần đào sâu khoảng 100m đã có thể khai thác được nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ngày nay, phải đào sâu gấp đôi, và vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm đó bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được.

1c-7_AMH_nuoc

Ảnh minh họa ( nguồn: Internet)

Đồng bằng sông Cửu Long với địa hình trũng, là hạ lưu của sông Mekong, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt được đánh giá là vùng trữ nước ngọt lớn nhất cả nước. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa và nước ngầm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Nước ngầm không chỉ là tài nguyên vô tận, đặc biệt đối với những tỉnh giáp biển, nước ngầm còn là hệ thống điều phối để nước biển không xâm nhập mặn vào đất liền. Để giảm thiểu tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Hội địa chất thủy văn Việt Nam, cần đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng luân phiên nguồn nước. Cơ sở để đảm bảo cho việc sử dụng luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất là dựa vào các hồ chứa nước mặt, nơi tập trung nước từ các sông suối, để sau đó, nước sẽ được chuyển với trữ lượng tối đa vào các kho chứa dưới đất.

PGS.TS Đoàn Văn Cánh khẳng định, cần có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là nông dân trong việc tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngầm; không khoan giếng ồ ạt mà cần phải có sự tư vấn của chuyên gia về vị trí khoan cũng như độ sâu của giếng để đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy của nước ngầm…

Theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước, ngoài nguyên nhân do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, điều kiện khí hậu, thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm… Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế – xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa không được quy hoạch phát triển một cách khoa học đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước…

Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong, cùng với sự xây dựng ồ ạt các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh như: Long An, Cần Thơ, An Giang… lượng nước thải từ cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, khai thác khoáng sản… chưa qua xử lý mà xả trực tiếp vào sông ngòi, kênh rạch khiến nguồn nước bị ô nhiễm lan rộng trên quy mô lớn, làm suy thoái nghiêm trọng các nguồn nước sạch. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải đưa ra khung pháp lý chặt chẽ, hình thức xử phạt đủ mạnh cũng như các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để người dân, đặc biệt là doanh nghiệp không xả nước thải trực tiếp ra các dòng chảy tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường nước.

TT

(Nguồn tin: theo http://monre.gov.vn)