Lưu vực sông Đồng Nai sẽ thiếu nước nghiêm trọng

Ông Đào Trọng Tứ, công tác tại Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, nếu tính lượng nước bình quân đầu người theo khu vực của Việt Nam và trên thế giới thì lưu vực sông Đồng Nai được xếp vào loại “khát nước” nghiêm trọng.

Khu vực sông Đồng Nai có khoảng 20 triệu dân, bao gồm các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận và TP HCM. Đây là vùng kinh tế năng động bậc nhất cả nước, hằng năm đóng góp tới 1/3 GDP. Tuy nhiên, vùng kinh tế trọng điểm này đang đứng trước nguy cơ “khát nước” nghiêm trọng khi phải chịu những áp lực quá lớn về thủy điện.
Cũng theo ông Đào Trọng Tứ, tổng lượng nước trên sông Đồng Nai là 37,4 tỷ m3, trong khi trung bình cả nước đạt 9.650m3/người/năm, thì tại lưu vực sông Đồng Nai chỉ có 2.296m3/người/năm, chưa bằng 1/3 trung bình cả nước. Trên thế giới, nếu dưới 4.000m3/người/năm được coi là khu vực thiếu nước, dưới 2.000m3/người/năm được xem là vùng cực kỳ thiếu nước. Ông Tứ so sánh, sông Đồng Nai đoạn đi vào lãnh thổ Việt Nam chỉ dài khoảng 420km nhưng đã có tới 14 nhà máy thủy điện, trong khi đó sông Mê Kông tại Lào dài tới 2.400km nhưng chỉ có 12 nhà máy thủy điện. Bên cạnh đó, trên các con sông nhánh của sông Đồng Nai là sông La Ngà dài 209km còn có 5 nhà máy thủy điện, sông Bé dài 230km có 6 nhà máy thủy điện. Theo Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, hệ thống sông Đồng Nai hiện nay đang đứng trước một áp lực rất lớn về thủy điện. Hiện hệ thống sông Đồng Nai đang tồn tại 2 tổ chức quản lý là Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai và Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà khoa học tại cuộc Hội thảo Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai – Trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được tổ chức vào tháng 8/2011 vừa qua tại Vườn Quốc gia Cát Tiên thì 2 đơn vị này hoạt động chưa có hiệu quả.
 

 (Theo Monre.gov.vn)