Lũ lụt không phải do các hồ thuỷ điện

Theo ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện: “Các nhà máy thuỷ điện có những hạn chế, song không làm xấu hơn tác hại của lũ, mà chỉ có thể tham gia vào quá trình cắt lũ, hoặc không”

Tại hội thảo “Công tác vận hành các hồ chứa thuỷ điện” sáng 13/11 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, 32 dự án thuỷ điện vừa và lớn với tổng công suất lắp máy 7.303,6 MW và 86 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp máy khoảng 474,8MW đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 35% công suất.

Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thuỷ điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão; đồng thời cung cấp nước cho hạ du phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa kiệt. Quy trình vận hành các hồ chứa thuỷ điện được xây dựng và ban hành căn cứ vào nhiệm vụ công trình và phù hợp với quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch bậc thang thuỷ điện. Đối với 32 hồ chứa thuỷ điện hiện đã ban hành đầy đủ quy trình vận hành và 3 quy trình vận hành liên hồ chứa.

Chưa phát huy được tác dụng ngăn lũ

Báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương tại hội thảo khẳng định:  “Với 3 nhiệm vụ chính là chống lũ, cấp nước và phát điện, thuỷ điện Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của mình trong nền kinh tế”.

Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ, đặc biệt tại khu vực miền Trung có diễn biến phức tạp, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình vận hành, công tác

Hiện tại Việt Nam đã vận hành 32 dự án thuỷ điện vừa và lớn, 86 dự án thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp máy đạt vào khoảng gần 8.000MW, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia 35% công suất.

ngăn, xả lũ của các hồ chứa thuỷ điện.

Đứng trước tình hình mưa lũ diễn biến thất thường và phức tạp, công tác dự báo chưa kịp thời, lượng nước đầu nguồn về lớn và nhanh vượt quá mức thiết kế, sức chứa của các hồ chứa thuỷ điện có giới hạn làm cho nhiều nơi thuỷ điện không phát huy được tác dụng ngăn lũ.

Các đại biểu nêu kiến nghị với Bộ Công thương, các cơ quan có liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo lũ, tránh hiện tượng bất ngờ không ứng phó kịp của các nhà máy, hồ thuỷ điện. Ngoài ra cần làm tốt việc quy hoạch dân cư tại khu vực hạ lưu đang phát triển phổ biến, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác thoát lũ…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng lưu ý các nhà máy thuỷ điện cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn nữa công tác vận hành hồ chứa thuỷ điện, cần phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, với các cơ quan liên quan trong việc ngăn, xả lũ tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Nhưng không làm xấu hơn tác hại của lũ

Sau các đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung, có thông tin dư luận cho rằng, hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã làm lũ lụt diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. Tuy nhiên, khẳng định trước báo chí tại cuộc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã khẳng định: “Không hoàn toàn như vậy bởi các hồ chứa vẫn phải giữ lại một lượng nước nhất định”.

“Khi mưa nhỏ, lượng nước mưa được giữ lại nên hạ du không có lũ lụt, nhưng khi có mưa lớn, các hồ chứa không thể giữ lại toàn bộ lượng nước mà chỉ có thể giữ lại một lượng nhất định. Vì vậy, các nhà máy thủy điện buộc phải để cho nước chảy qua hồ xuống hạ du”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương khẳng định, nguyên nhân gây ra lũ lụt những năm gần đây không phải do các hồ thuỷ điện.

Ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện- Hội Điện lực Việt Nam, cũng cho rằng: “Các nhà máy thuỷ điện có những hạn chế, song không làm xấu hơn tác hại của lũ, mà chỉ có thể tham gia vào quá trình cắt lũ, hoặc không”.

Theo ông Thận, các dự án thủy điện được dựa trên 4 tiêu chí, trong đó có tiêu chí đáp ứng nhu cầu thủy lợi, cấp thêm nước mùa cạn và cắt đỉnh lũ mùa mưa. Nhưng muốn có chức năng này, quy trình vận hành hồ chứa phải quy định mức nước thượng lưu, tức mức nước hồ phải dự trữ một dung tích phòng lũ trong suốt thời gian lũ lớn trên lưu vực có khả năng xuất hiện.

Trong chính sách năng lượng quốc gia của Việt Nam, thủy điện được chọn là nguồn điều tần lý tưởng, kinh tế. Hồ chứa lớn của các nhà máy thủy điện có ưu việt về thủy lợi, cấp nước bổ sung cho hạ du vào mùa cạn và cắt lũ khi có lũ lớn. Chẳng hạn, hồ Thủy điện Hòa Bình với dung tích 9 tỷ m3, cho phép cắt đỉnh lũ cực đại ở Hà Nội cỡ 1m. Nhờ vậy, giải quyết khá cơ bản lũ hạ du sông Hồng.

Tuy nhiên, theo ông Thận, khi xét duyệt quy trình điều tiết hồ chứa, Bộ Công Thương cần xem xét hiệu quả thủy lợi, trong đó phải rà soát kỹ điều kiện hồ chứa tham gia cắt đỉnh lũ. Bộ Công Thương cần ban hành quy trình mẫu, trong đó có điều khoản này, bao gồm cả các hướng dẫn tính toán. Như vậy, nhà máy thủy điện sẽ càng nâng cao hiệu quả kinh tế và hạn chế tác hại của lũ trên lưu vực.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều khẳng định tác dụng của thuỷ điện, hồ thuỷ điện trong việc phòng, chống lũ, điều tiết dòng chảy là vô cùng quan trọng. Thực tế trong nhiều năm qua, các hồ chứa đều phát huy tốt công tác chống lũ vào mùa mưa, cấp nước vào mùa khô, phát điện đạt công suất tối đa.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện cho tất cả các công trình thuỷ điện trên toàn quốc. Bộ sẽ giao cho Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp của Bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc phòng chống lũ bão tại các hồ thuỷ điện, tổ chức diễn tập thường xuyên.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo tình hình mưa lũ, rà soát và xem lại tính hiệu quả trong việc phòng chống lũ của các dự án thuỷ điện đang và sẽ được xây dựng trong thời gian sắp tới./.

 

(Theo DWRM)