Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2011: Vì sự phồn thịnh của đô thị cần bảo vệ và giữ gìn nguồn nước

Sáng 22/3, tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận trang trọng tổ chức Lễ mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày nước thế giới năm 2011. TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức các sự kiện kỷ niệm Ngày nước thế giới năm 2011; ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tới dự. Tham dự Lễ mít tinh còn có đại diện của các cơ quan Trung ương và địa phương, tổ chức xã hội, nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và cộng đồng địa phương, đặc biệt là sự tham gia của hơn 2000 đoàn viên, học sinh, sinh viên đóng trên địa bàn tỉnh. 

 

Nước – tài nguyên thiết yếu đảm bảo sự phồn thịnh của đô thị

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh: Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phồn thịnh của đô thị và việc quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này mang tính sống còn để đảm bảo an ninh lương thực, nước sạch, môi trường và vệ sinh cho khu vực đô thị. Nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn do tính chất xuyên suốt của hệ thống nguồn nước trong tự nhiên theo đó các vùng nông thôn là nơi cung cấp phần lớn nguồn nước cho các khu vực đô thị. Do đó, công tác QLTNN ở cả khu vực đô thị và nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, với nhiều mục tiêu khác nhau như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, cấp nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị đặc biệt là cộng đồng nghèo. Điều này đòi hỏi phải có chiến lược mang tính tổng thể, có sự phối hợp và lồng ghép cao giữa các quy hoạch ngành, có tính đến mối tương tác giao thoa giữa đô thị và các vùng phụ cận. Nếu không được hoạch định và thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả, quá trình đô thị hóa quá nhanh sẽ làm gia tăng tình trạng nghèo đói, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường và các hệ sinh thái, là trở ngại trong việc đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ.

 

tt504

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đọc diễn văn khai mạc Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày nước thế giới năm 2011

Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2011 là “Nước cho phát triển đô thị” và thành phố Cape Town, Nam Phi đã được chọn là nơi tổ chức sự kiện này. Mục tiêu của Ngày Nước thế giới năm nay nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào các thách thức và sức ép ngày càng gia tăng tới nguồn nước từ quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, những bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai, và các mâu thuẫn – thậm chí tranh chấp – giữa các đối tượng sử dụng nước ở đô thị. Với chủ đề này, LHQ muốn khuyến khích các chính phủ, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trên thế giới chủ động tham gia giải quyết các thách thức đối với công tác QLTNN trong bối cảnh đô thị hóa.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nửa dân số nhân loại (khoảng 3,3 tỷ người) hiện sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa này vẫn không ngừng gia tăng. Dự báo trong vòng hai thập kỷ tới, gần 60% dân số thế giới (khoảng 5 tỷ người) sẽ trở thành cư dân đô thị. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất tại các nước đang phát triển, nơi mà cứ mỗi tháng lại có thêm 5 triệu người đến sinh sống tại các đô thị. Ở châu Phi và châu Á, dân số đô thị sẽ tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2030. Trong các thập kỷ tiếp theo, khoảng 95% tăng trưởng dân số đô thị sẽ tập trung ở các nước đang phát triển.

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Năm 2009, cả nước có 747 đô thị từ loại 5 trở lên, và cứ trung bình hơn một tháng lại có thêm một đô thị mới ra đời. Dự báo trong vài thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế đô thị.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, ông Hoàng Văn Bẩy đã đọc diễn văn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc BanKiMoon cho ngày nước thế giới năm 2011. Trong đó, nhấn mạnh “Khủng hoảng nước đô thị không phải do khan hiếm, thiếu nước mà là hệ quả của hệ thống quản trị chưa hữu hiệu, khung thể chế chính sách chưa đủ mạnh, cũng như công tác quản lý chưa hiệu quả”

Bài diễn văn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nêu rõ: Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ qua, tỷ lệ cư dân đô thị không được tiếp cận nguồn nước máy tại nhà hoặc khu vực liền kước tính đã tăng lên 114 triệu và số người sống thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản đã tăng lên gần 134 triệu. Tỷ lệ gia tăng 20% này đã tác động và gây thiệt hại khổng lồ tới sức khỏe con người và hiệu quả kinh tế do nhiều người bị đau ốm và mất khả năng lao động.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc BanKiMoon kêu gọi các Chính phủ cần nhận thức được rằng, khủng hoảng nước đô thị không chỉ là do khan hiếm nước, thiếu nước mà chủ yếu là hệ quả của hệ thống quản trị chưa hữu hiệu, khung thể chế chính sách chưa đủ mạnh, cũng như công tác quản lý chưa hiệu quả.

“Chúng ta hãy cùng nhau khẳng định lại cam kết của mình về việc chấm dứt tình cảnh khốn khổ của trên 800 triệu người hiện đang sống trong một thế giới phồn vinh nhưng lại không có đủ nước sạch hoặc điều kiện vệ sinh tối thiểu – những yếu tố thiết yếu để đảm bảo sức khỏe và phẩm giá con người!” – Diễn văn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nêu rõ.

 

tt505

Đoàn thanh niên tham gia khơi thông dòng chảy tại mương Tấn Tài
tt506

Ninh Thuận – tỉnh khô hạn nhất cả nước trước các thách thức nguồn nước

Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với tổng lượng mưa trung bình từ 700 đến 1,000 mm/năm trong khi lượng bốc hơi từ 1,600 đến 1,700 mm/năm và chỉ có một lưu vực sông chính là Sông Cái – Phan Rang. Các sông có diện tích lưu vực nhỏ, sông hẹp và ngắn, vùng đầu nguồn chủ yếu là rừng nghèo nên nguồn nước không phong phú, nhiều sông suối mùa khô không có nước. Tài nguyên nước dưới đất của Ninh Thuận cũng thuộc loại nghèo, các tầng chứa nước mỏng, mực nước ngầm nông do vậy trữ lượng nước dưới đất chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước. Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh khô hạn nhất trong cả nước.

Là tỉnh khan hiếm nước, nhưng nguồn nước của Ninh Thuận cũng đang chịu những sức ép rất lớn từ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội trong đó phần lớn sức ép này đến từ khu vực đô thị bao gồm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các thị trấn, thị tứ. Trong các đô thị của tỉnh, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được dự báo sẽ có tốc độ đô thị hóa cao trong thời gian từ nay đến năm 2020 như đề ra trong “Đề án xây dựng và phát triển thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đến năm 2020” đã được UBND Tỉnh phê duyệt năm 2009.

 Do vị trí và điều kiện tự nhiên, Ninh Thuận cũng được đánh giá là địa phương có mức độ dễ bị tổn thương cao trước những tác động của BĐKH, nước biển dâng và các loại hình thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và sa mạc hóa… 

Tại Lễ mít tinh, ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, Ninh Thuận đã từng bước hiện thực hóa các giải pháp về bào vệ và phát triển nguồn nước nói chung và nước cho phát triển đô thị nói riêng và có những giải pháp hữu hiệu đối phó với thiên tai, thích ứng với biến đối khí hậu. Tuy nhiên, thời gian tới, vẫn còn không ít những diễn biến phức tạp khó lường đối với tỉnh trong việc giải quyết các thách thức về tài nguyên nước trên địa bàn. Điều đó, đòi hỏi lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp chính quyền và nhân dân Ninh Thuận cần phải nỗ lực hơn.

“Song song với phát triển kinh tế xã hội thì tốc độ đô thị hóa ở Ninh Thuận diễn ra quá nhanh. Vì vậy, sự phát triển đô thị ở Ninh Thuận như cung cấp cơ sở hạ tầng cấp thoát nước là thách thức lớn trong thời gian tới. Với trách nhiệm là cơ quan chính quyền ở địa phương, Chúng tôi sẽ có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa việc lãng phí nguồn nước ở cả trong nhà và nơi làm việc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước cũng như định hướng cho phát triển đô thị”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đổi mới cơ chế cho việc cấp thoát nước và tạo điều kiện cho công tác này được bền vững, hiệu quả.

 

tt507

Toàn cảnh buổi lễ

Kêu gọi các cấp, các ngành cùng hành động, chung tay tham gia bảo vệ, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Ông Peter D’Huys, Bí thư Thứ nhất hợp tác phát triển, Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội cho rằng: Các thách thức về nước trong bối cảnh đô thị hóa cần được nhìn nhận trên nhiều phương diện. Những thách thức này không chỉ đơn thuần là vấn đề thiếu nước hay khan hiếm nước mà còn có thể là hệ quả của hệ thống quản trị chưa hữu hiệu, khung thể chế chưa đủ mạnh cũng như công tác quản lý chưa hiệu quả. Một thực tiễn là xung quanh chúng ta có rất nhiều nước nhưng lại không sử dụng được do chất lượng quá tồi tệ. Với những áp lực gia tăng do tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, việc đảm bảo an ninh nước trở thành nhiệm vụ khó khăn gấp bội phần. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, ở quy mô toàn cầu cần những hành động có tính phối hợp cao của cộng đồng quốc tế để giúp đỡ các quốc gia đạt được các mục tiêu thiên nhiên kỷ về nước sạch và vệ sinh. Ở quy mô quốc gia, cần thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống chính trị cũng như hành động thiết thực ở tất cả các cấp Trung ương, tỉnh và địa phương trong việc hướng tới giải quyết các thách thức về nước và đô thị hóa. Bất luận cách tiếp cận nào chúng ta cần đảm bảo rằng việc bảo tồn các nguồn nước và cung cấp các điều kiện cơ bản về nước sạch  và vệ sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu của các Chương trình nghị sự về xóa bỏ đói nghèo và phát triển bền vững.

Ông Peter cho biết: Quản lý nước, cấp nước và vệ sinh đã được Chính phủ Bỉ xác định là những ưu tiên trong hợp tác phát triển với Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Hầu hết các chương trình và dự án hợp tác của Chính phủ Bỉ như quản lý nguồn nước, cấp thoát nước, vệ sinh và quản lý chất thải đều tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ở Ninh Thuận hiện có 3 dự án đang được triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai hy vọng, việc tuyên truyền rộng rãi sự kiện Ngày nước thế giới năm nay sẽ thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, đồng thời các hoạt động trong chiến dịch này có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi và cách ứng xử với tài nguyên nước của các đối tượng tham gia. “Hy vọng đây sẽ là những nhân tố tích cực trong việc tiếp tục chuyển tải thông tin, tri thức và ý tưởng đến các nhóm đối tượng khác trong xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

Đại diện Công ty cổ phần Gia Việt, sinh viên trường Cao đẳng Ninh Thuận cũng có bài phát biểu hưởng ứng Ngày nước thế giới và nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ và giữ gìn nguồn nước – nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển đô thị trong tương lai.

Sau lễ mít tinh, đoàn viên thanh niên đã chia thành 2 tốp. Trong đó, một tốp đạp xe diễu hành trên đường phố Phan Rang – Tháp Chàm và hơn 200 đoàn viên thanh niên tình nguyện của 16 phường tham gia khơi thông dòng chảy tại mương Tấn Tài (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

 

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)