Đông Hồ là đầm nước mặn lòng chảo nằm ở phía Đông thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi cửa sông Giang Thành đổ ra biển. Đầm có diện tích tự nhiên hơn 1.384 ha, trong đó mặt nước hồ 936 ha. Đầm Đông Hồ là một trong những tuyệt tác thiên nhiên kỳ vĩ, danh lam thắng cảnh thơ mộng đất Hà Tiên thập cảnh đã đi vào thơ của Tao đàn Chiêu Anh Các. Tuy nhiên, đầm Đông Hồ đang chịu tác động bất lợi của tự nhiên và con người, làm giá trị của nó suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên đất và nước của đầm.
Theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học tại Hội thảo “Định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển đầm Đông Hồ” vừa tổ chức tại thị xã Hà Tiên, đầm Đông Hồ đang xuống cấp nghiêm trọng do bồi lắng làm cho cạn dần, hình thành các bãi bồi, mặt nước thu hẹp lại. Việc lấn chiếm diện tích mặt hồ của cư dân phát triển nuôi trồng thủy sản, khai thác đánh bắt không theo quy định, mang tính hủy diệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái trong đầm, cảnh quan môi trường thiên nhiên và làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản. Vài năm trở lại đây, việc khai thác thủy sản trong lòng đầm gia tăng, ảnh hưởng đến dòng chảy khi mùa nước lũ, giảm dung tích chứa nước và ảnh hưởng đến an toàn của đầm. Hoạt động khai thác tận thu mang tính hủy diệt diễn ra phức tạp và kéo dài nên nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ ngày một suy giảm, nguy cơ cạn kiệt. Mặt khác, diện tích các bãi cồn nổi lên trong lòng đầm ngày một nhiều dẫn tới giảm khả năng trữ nước của đầm, đặc biệt vào mùa khô, gây bất lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sinh.
Đầm Đông Hồ cũng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Ô nhiễm do lan truyền từ các vùng đất phèn vì Tứ giác Long Xuyên của đồng bằng sông Cửu Long và đất phèn hoang hóa của vùng Hà Tiên; trong quá trình sản xuất nông nghiệp đã gây chua cho nguồn nước kênh rạch, nhiễm chua cho đầm Đông Hồ. Ô nhiễm còn do chất thải trong nông nghiệp và sinh hoạt vì đầm Đông Hồ là nơi tập trung nguồn nước lũ chảy về từ sông Hậu, lượng nước tràn về từ phía biên giới Campuchia và từ vùng Tứ giác Long Xuyên. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đã tạo ra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở vùng thượng nguồn nên khi chảy vào đầm sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước trong đầm, nhất là nguồn nước chua phèn gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản và tài nguyên sinh vật thủy sinh trong thủy vực. Nước thải sinh hoạt từ thị xã Hà Tiên và cư dân xung quanh xả thẳng vào đầm cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước đầm Đông Hồ.
Theo PGS.TS Thái Thành Lượm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang: Do tốc độ phát triển đô thị đối với thị xã Hà Tiên nên đầm Đông Hồ từng bước bị bao vây bởi dân cư phát triển; việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm công nghiệp từ các vùng lân cận; khai thác đánh bắt thủy sản trong lòng hồ là những nguyên nhân dẫn đến suy thoái tính đa dạng sinh học của đầm. Các chỉ tiêu môi trường bị ảnh hưởng do nước thải trong sinh hoạt, nước thải trong công nghiệp như hàm lượng pH, DO, COD, Cloriform, TSS, N-NH 3 gia tăng vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là nồng độ DO có xu hướng giảm thấp làm ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái thủy sinh và nồng độ cao là nguyên nhân ô nhiễm chất hữu cơ từ nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm công nghiệp.
Ngoài ra, đời sống khó khăn, nghèo khổ của cộng đồng cư dân sống dựa vào khai thác tài nguyên đầm, sản xuất tiểu nông, tiểu ngư khó thay đổi đã phần nào tác động tiêu cực đến đầm Đông Hồ. Thực tế từ nhiều năm nay, cư dân đã làm ăn sinh sống ở phía Tây Nam và phía nam của đầm, nhất là định cư sinh sống trên dãy cồn nổi giữa đầm hơn 200 hộ, với khoảng 1.300 người và con số này tiếp tục tăng nhanh, gây áp lực xã hội lớn cho đầm. Nghề nghiệp chủ yếu của họ là khai thác hải sản, mua bán củi, lá dừa nước… cuộc sống rất khó khăn. Họ trồng tràm, mắm, đước, dừa nước… tự ý lấn chiếm lòng hồ đóng đáy, khai thác đánh bắt thủy sản ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan của đầm, thoát lũ.
Theo các nhà khoa học, để cứu lấy đầm Đông Hồ đang trong tình trạng suy thoái, xuống cấp, tỉnh Kiên Giang cần có giải pháp đồng bộ mang tính đột phá hữu hiệu. Cụ thể, việc khai thác, sử dụng đầm phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp bản chất tự nhiên, tiềm năng tài nguyên và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; kiểm soát mối quan hệ giữa đầm và vùng thượng nguồn; bảo vệ, phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hợp lý nhằm duy trì lâu bền nguồn lợi thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu nghề cá cho phù hợp và bảo tồn các loài thủy sản; phòng chống ô nhiễm nước, suy giảm hoặc phì dinh dưỡng trong đầm; kiểm soát, giám sát môi trường, chất lượng nước, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hợp lý; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về giá trị của đầm. Để bảo vệ đầm Đông Hồ thành Khu bảo tồn thiên nhiên, trước hết là xây dựng thị xã Hà Tiên thành thị xã xanh, đô thị ít carbon, đồng thời điều tra đa dạng sinh học, đánh giá các loài động vật, thực vật tìm ra các loài đặc hữu, các loài quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên. Trên cơ sở đó, thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đầm Đông Hồ và lập dự án đầu tư xác định ranh giới vùng lõi, vùng đệm để có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt. Trước mắt, tỉnh Kiên Giang cần có kế hoạch nạo vét lòng đầm để tăng cường khả năng thoát lũ của sông Giang Thành và cửa ra đầm Đông Hồ, góp phần giảm độ sâu ngập lũ, thời gian ngập lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên và thị xã Hà Tiên; đồng thời hạn chế khả năng bồi lắng, giữ được cảnh quan, môi trường sinh thái của đầm Đông Hồ. Cần tập trung trồng mới và khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ở phía đông và đông bắc của đầm, duy trì diện tích rừng với tỷ lệ 30% so với diện tích tự nhiên của đầm, vừa tăng vẻ đẹp cảnh quan, bảo tồn và tăng cường đa dạng sinh học cho đầm, vừa tạo vi sinh vật dưới tán rừng để xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trở thành lá phổi xanh cho toàn vùng.
Đầm Đông Hồ – Hà Tiên là tài nguyên đất ngập nước của Kiên Giang có giá trị khai thác kinh tế đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân vùng Hà Tiên và các vùng lân cận. Đầm có chức năng cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường cho khu vực và là một khu sinh quyển mặn – ngọt có giá trị đa dạng sinh học và nhân văn, nghiên cứu khoa học. Đầm có tầm quan trọng đối với cảnh quan, môi trường và phát triển kinh tế xã hội của thị xã Hà Tiên, một vùng đất có điều kiện tự nhiên địa lý thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tạo sức bật xây dựng Hà Tiên thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, hiện đại, thân thiện môi trường.
(Theo Monre.gov.vn)