Dù có nguồn nước mặt tương đối dồi dào và nguồn nước dưới đất với trữ lượng lớn song Kiên Giang đang đứng trước nỗi lo khát nước sạch, nhất là ở các xã vùng biên. Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, nguyên nhân chính là do công tác quản lý tài nguyên nước chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đề ra được các giải pháp quản lý, quy hoạch, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phân bổ nguồn nước có hiệu quả.
Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho thấy, toàn tỉnh có nguồn nước mặt khá dồi dào với 3 con sông chảy qua là sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Giang Thành và hệ thống kênh rạch. Nguồn nước dưới đất dồi dào nhưng phần lớn là vùng phân bố nước mặn và nước lợ. Theo báo cáo của Đoàn Địa chất 806 (Liên đoàn Quy hoạch địa chất và Thuỷ văn miền Nam), toàn tỉnh có trữ lượng khai thác tiềm năng là 1.322.417 m3/ngày. Với nguồn nước tiềm năng ấy nếu có giải pháp hiệu quả sẽ tận dụng tối đa việc khai thác nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của người dân.
Trên thực tế, việc khai thác nguồn nước cũng không đồng đều giữa các vùng khác nhau. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 97.495 giếng với lượng khai thác khoảng 173.000 m3/ngày đêm trong đó huyện Châu Thành có tiềm năng khai thác nhiều nhất là 31.222 m3/ngày đêm và huyện Kiên Lương có lưu lượng khai thác ít nhất với khoảng 2000 m3/ngày đêm. Đáng ngại là tại huyện Kiên Lương, không chỉ thiếu nước ngọt trong mùa khô mà ngay cả giữa mùa mưa, người dân nơi đây vẫn phải sử dụng nguồn nước lấy từ các dòng kênh đã bị ô nhiễm.
Hiện tại, hàng chục ngàn hộ dân ở 5 xã biên giới Vĩnh Phú, Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Phú Lợi và Phú Mỹ (huyện Kiên Lương) vẫn tiếp tục hàng ngày sử dụng nước từ kênh vừa nhiễm phèn, nhiễm mặn và đầy rác bẩn. Kênh Hà Giang, kênh T4, T5 là một trong những dòng kênh cung cấp nước sản xuất cũng như sinh hoạt chính cho nhân dân 5 xã vùng biên giới. Do nằm ở cuối nguồn, lượng rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp ở thượng nguồn đổ về cộng với sự phóng uế, xả rác thải bừa bãi của người dân địa phương sống cập các bờ kênh và việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất… đã làm cho nước dòng kênh ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn. Tuy nhiên, vài chục năm nay người dân trên địa bàn vẫn phải lấy nguồn nước kênh này làm nước sinh hoạt trừ ăn uống là dùng nguồn nước mưa.
Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, để công tác quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, từ đó giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân, trước hết, cần phải củng cố bộ máy và bổ sung thêm biên chế làm công tác quản lý tài nguyên nước cấp tỉnh và cấp huyện là những người có chuyên môn. Bởi lẽ, qua kiểm tra thực tế tại huyện Kiên Lương cho thấy, công tác kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng nguồn nước, hướng dẫn bảo vệ nguồn nước còn hạn chế. Khó khăn chủ yếu trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn là do Phòng TN&MT các huyện thiếu cán bộ, cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc và chưa có cán bộ quản lý về lĩnh vực tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên nước còn bị buông lỏng và ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ nguồn nước của người dân còn chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến việc “khát” nước trên địa bàn. Vì thế, các chuyên gia tài nguyên nước cho rằng, UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các huyện/thị xã/thành phố tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất và các hoạt động gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức/cá nhân, hộ gia đình khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Đặc biệt, tỉnh cần sớm xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn nước dưới đất. Chỉ khi lãnh đạo các cấp tỉnh, huyện cùng quan tâm, quyết tâm trong công tác quản lý tài nguyên nước mới mong giải quyết được tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn và vơi đi nỗi lo “khát” nước bấy lâu của người dân.
(Theo Monre.gov.vn)