Kiên Giang: Khát nước sạch ở vùng biên

Từ nhiều năm nay, nguồn nước sạch luôn là niềm khao khát của người dân sống ở vùng biên giới huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Không chỉ thiếu nước ngọt trong mùa khô mà ngay cả giữa mùa mưa, người dân nơi đây vẫn phải sử dụng nguồn nước lấy lên từ các dòng kênh đã bị ô nhiễm. Nỗi lo về bệnh tật do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh luôn đeo bám, ám ảnh cuộc sống của người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn này.

Hiện nay, hàng chục ngàn hộ dân ở 5 xã biên giới Vĩnh Phú, Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Phú Lợi và Phú Mỹ, huyện Giang Thành vẫn tiếp tục hàng ngày lấy nước từ kênh vừa nhiễm phèn, nhiễm mặn và đầy rác bẩn. Kênh Hà Giang, kênh T4, T5 là một trong những dòng kênh cung cấp nước sản xuất cũng như sinh hoạt chính cho nhân dân 5 xã vùng biên giới. Do nằm ở cuối nguồn, lượng rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp ở thượng nguồn đổ về cộng với sự phóng uế, xả rác thải bừa bãi của người dân địa phưong sống cập các bờ kênh và việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất… đã làm cho nước trong dòng kênh ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn. Nhìn những dòng kênh này, không ai có thể nghĩ đây lại là nguồn nước mà bà con nơi đây vẫn thường sử dụng hàng ngày trong mọi sinh hoạt từ ăn uống cho đến tắm rửa, giặt giũ. Chị Thị Dul, ấp Giồng Kè, xã Phú Lợi (Giang Thành) cho biết: “Mấy chục năm qua chúng tôi vẫn “sống nhờ” vào nguồn nước đó. Chỉ mỗi nước uống là từ nguồn nước mưa trữ được, còn lại đều sử dụng nước kênh hết”. Mặc dù biết nguồn nước bị ô nhiễm nặng, có thể gây bệnh khi sử dụng trong ăn uống, nhưng người dân nơi đây vẫn phải sử dụng vì không còn nguồn nước nào khác. Bác sĩ Trịnh Văn Vũ, Gíam đốc Trung tâm Y tế huyện Giang Thành cho biết: “Do chủ yếu sử dụng nước từ các con sông   bị ô nhiễm nặng   nên người dân ở đây nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột và da liễu rất cao”.
Thực tế vài năm trở lại đây, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế chủ động khoan cây nước để sử dụng, có gia đình mua nước sạch với giá cao ở trạm cấp nước Hà Tiên hoặc ở các địa phương khác chở về. Tuy nhiên, do vùng đất này còn nhiễm phèn, mặn nên những cây nước của các hộ gia đình sau khi khoan một thời gian thì bị phèn, mặn xâm nhập không sử dụng được. Trước thực trạng này, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng 5 trạm xử lý, cấp nước sạch cho 5 xã biên giới huyện Giang Thành. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nguồn nước mà người dân sử dụng từ 5 trạm nước này đều không đảm bảo vệ sinh. Trạm cấp nước tại khu dân cư ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ là nơi cung cấp nước sạch duy nhất cho 50 hộ dân ở đây, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nguồn nước được gọi là “nước sạch” cấp cho bà con lại được trạm xử lý nước lấy lên từ dòng kênh đục ngầu, dơ bẩn. Qua hệ thống lọc sơ sài, nước vẫn còn phèn, mặn và đóng cặn đã được trạm cung cấp nước đưa tới người dân sử dụng với mức thu 6 ngàn đồng/m3.
Theo người dân ở đây, hơn 10 năm trước Công ty Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang cho xây dựng hồ nước ngọt trữ lượng lên đến hàng trăm ngàn mét khối ngay trên địa bàn xã Phú Mỹ (Giang Thành), với kinh phí hàng tỷ đồng. Những tưởng công trình sẽ phục vụ cho dân nơi đây, nào ngờ nước được kéo ngược về thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, còn công trình cấp nước chỉ “tạm trú” ở đây mà thôi. Dân vùng này bao đời “khát” đến giờ vẫn… khát. Ngay cả UBND các xã và nhiều cơ quan ban ngành ở địa phương cũng phải sử dụng nước giếng, hoặc nước từ các con kênh ô nhiễm, phục vụ cho sinh hoạt thường nhật.
Điều mà người dân trên vùng biên giới huyện Giang Thành mong mỏi là sự quan tâm của các cấp, các ngành sớm có biện pháp xử lý nguồn nước để người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
 

 (Theo Monre.gov.vn)