Khủng hoảng nước và gia tăng dân số – Mối đe dọa trái đất

 Theo báo cáo vừa được Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) công bố, dân số tăng nhanh và các vấn đề căng thẳng nguồn nước đang dẫn trái đất đến một cuộc khủng hoảng môi trường và lương thực mà chỉ có các biện pháp kỹ thuật canh tác tốt hơn và sử dụng hệ sinh thái thông minh hơn mới có thể ngăn chặn được tình trạng này.

Dự kiến dân số trái đất sẽ tăng từ 7 tỷ người năm 2011 lên tới ít nhất 9 tỷ người vào năm 2050, khiến nhu cầu về nước vốn đã rất nghiêm trọng ở nhiều nước ngày càng trở nên nghiêm trọng và cảnh báo mức độ xấu đi do sự ấm lên của trái đất. Theo báo cáo, hiện nay 1,6 tỷ người đang phải sống ở các vùng khan hiếm nước và nếu tình hình không được cải thiện, con số đó có thể sớm tăng lên 2 tỷ người. Hơn nữa, nếu vẫn duy trì các biện pháp canh tác nông nghiệp như hiện nay cùng với tốc độ đô thị hóa gia tăng, lượng nước cần thiết cho nông nghiệp bị thất thoát sẽ tăng 70-90% năm 2050 từ mức 7.130 km khối/ngày hiện nay.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng sự khan hiếm nước vì nó sẽ làm thay đổi mô hình và cường độ mưa. Riêng ở châu Phi, sản lượng nông nghiệp có thể giảm 15-30% cho đến cuối thế kỷ. Theo báo cáo, nếu vẫn sử dụng các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp hiện nay, tập trung nâng cao sản lượng và sử dụng đất ngày càng rộng hơn sẽ là thảm họa bởi nó sẽ hủy diệt hoàn toàn nguồn nước ngọt trên mặt đất và hệ sinh thái ven biển vốn rất quan trọng đối với cuộc sống.
Báo cáo cũng đưa ra phương pháp phục vụ hệ sinh thái nước và an ninh lương thực, gọi là sự đổi mới để cải thiện năng suất cây trồng và xóa nghèo đói nhưng cũng ít gây hại môi trường với các ý tưởng đào tạo cho nông dân tốt hơn và ưu đãi cho việc thực hiện bảo vệ môi trường. Theo đó, cây trồng nên được lựa chọn phù hợp hơn với lượng mưa khan hiếm hoặc thất thường, kỹ thuật tưới tiêu tốt hơn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nước và tăng cường hồ chứa nước ở các quốc gia có khí hậu nóng giúp nông dân sử dụng trong thời gian không có mưa. Báo cáo cũng nhấn mạnh cách quản lý, trong đó các hệ sinh thái phải được quản lý một cách tổng thể – nói cách khác, Chính phủ, nông dân, cư dân đô thị và các chuyên gia phải liên kết với nhau để xem xét cân bằng nhu cầu sử dụng nước với môi trường. Báo cáo ước tính sơ bộ giá trị kinh tế toàn cầu của vùng đất ngập nước cần phải chi phí khoảng 70 tỷ USD, trong đó có 5,25 tỷ ở châu Phi và 37,1 tỷ USD ở châu Á.
 
 
(Theo Monre.gov.vn)