Không để thủy điện “bức tử” sông Mê Kông

Ngày 4/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông: Sinh kế, an ninh lương thực và sự bình ổn khu vực”.

Hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên nước đều bày tỏ lo ngại, việc xây dựng chuỗi 12 đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông không chỉ gây những tác động không lường về sinh thái, sinh kế mà còn có thể đẩy các nước hạ lưu vào cuộc chiến phân chia quyền lợi…

Việc xây dựng 12 con đập trên dòng chính Mê Kông sẽ đẩy người dân vùng ĐBSCL vào tình trạng mất sinh kế.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng nhóm tư vấn quốc gia đánh giá môi trường chiến lược 12 thủy điện dòng chính Mê Kông, những tác động tích lũy xuyên biên giới của 12 con đập là chưa lường hết. “Là người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tôi vô cùng lo ngại về tác động tiêu cực tới vùng hạ lưu từ các dự án thủy điện. Tại thượng lưu thuộc lãnh thổ Trung Quốc, có 8 đập đã và dự kiến sẽ được xây, nếu có thêm 12 con đập vùng hạ lưu sẽ tạo ra bậc thang thủy điện băm nát dòng sông. Ở cuối nguồn, Việt Nam sẽ chịu hậu quả nặng nề về nguồn nước, sinh kế, an ninh lương thực ở vùng ĐBSCL. Diện tích ngập mặn mở rộng, thiếu phù sa, không còn các mùa chuyển tiếp, nhiều diện tích đồng bằng, cù lao sẽ bị nhấn chìm. Xây quá nhiều thủy điện, chẳng khác nào “bức tử” sông Mê Kông”. Sự xuất hiện chằng chịt của các con đập cũng sẽ khiến người dân hạ lưu đối mặt với vấn đề sinh kế khi nguồn cá bị suy giảm nghiêm trọng…

Các nhà khoa học cũng lo ngại những tác động tiêu cực của việc xây dựng nhiều đập thủy điện trên sông Mê Kông và đề nghị các quốc gia hãy nghĩ tới con đường thỏa hiệp thay vì chỉ nghĩ tới lợi ích của quốc gia mình

 

(Theo http://news.hnsv.com)